Dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp!
- Thứ bảy - 18/02/2012 23:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi trở lại xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) sau hai ngày Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đình Sơn cùng với Chi cục thú y tỉnh trực tiếp đến kiểm tra và chỉ đạo dập dịch với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Ông Trần Xuân Long – Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: Ngay sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp khẩn cấp về công tác phòng chống dịch. Theo đó, xã phân loại và tiến hành tiêu hủy số gia cầm bị bệnh chết theo đúng quy định, đồng thời huy động lực lượng các đoàn thể thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn xã. Nhằm khống chế dịch bệnh lây lan chính quyền địa phương đã tiến hành phun 142 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và rắc 2,5 tấn vôi bột tại các đường làng ngõ xóm của 13 đơn vị. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã cắt cử người túc trực canh gác 24/24h không cho vận chuyển, buôn bán gia cầm ra vào vùng dịch. Mặt khác, đến tận các hộ chăn nuôi ký cam kết tuyệt đối không được thả gia cầm ra ngoài.
Chốt kiểm soát không người ở xã Cẩm Duệ - địa phương đầu tiên ở Cẩm Xuyên xuất hiện dịch cúm gia cầm |
Tuy nhiên, khi chúng tôi qua chốt gác để vào thôn 5 và thôn 6 – nơi phát hiện dịch cúm gia cầm đầu tiên (đã tiêu hủy 1043 con gia cầm) thì việc lập chốt dường như có cũng như không. Chứng kiến hàng chục lượt người qua lại nơi đây nhưng vẫn không có ai ra đứng gác. Đi sâu vào thôn 5, dọc đường vôi bột được rải đã bị nước mưa cuốn trôi; gà, vịt và ngan vẫn được được người dân vô tư thả ra, chạy “tung tăng” trong vườn ra cả ngoài đường….
Dù đã ký cam kết nhưng nhiều hộ dân ở Cẩm Duệ vẫn thả rông gia cầm |
Ngay sau đó, chúng tôi nhận được tin tại xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) dịch cúm gia cầm cũng đã xuất hiện. Có mặt tại nhà ông Trần Đắc Đình – thôn 4, xã Cẩm Hòa cũng là khi ông cùng với chính quyền địa phương đang tổ chức thu gom hàng trăm con gia cầm đem đi tiêu hủy.
Ông Đình chua xót nói: Ngày 12/2 một vài con gà có dấu hiệu bị bệnh và chỉ sau 3 ngày toàn bộ đàn gà 100 con lăn ra chết hàng loạt. Tiếp đó, vịt và ngan cũng chết theo. Ngay sau đó, gia đình ông thu gom xác gia cầm chết cho vào bao tải và báo với chính quyền địa phương đến tiêu hủy. Trong 2 ngày (16/17-2), gia đình ông tiêu hủy hết toàn bộ gia cầm 730 con gia cầm, trong đó 150 con ngan, 480 vịt và 100 gà. Tiếp đó, 4 hộ trong thôn cũng có gia cầm bị mắc bệnh và cũng được thu gom đem đi tiêu hủy.
Đáng buồn thay khi gia đình ông Đình có truyền thống nuôi gia cầm trên 20 năm nay với số lượng lớn nhưng kiến thức về phòng chống bệnh lại rất hạn chế. Bởi vậy, đến khi gia súc bị chết hàng loạt thì ông mới báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý. Về phía chính quyền địa phương dịch được phát hiện từ ngày 15 – 2 ( người dân báo) nhưng đến ngày 17 – 2 vẫn chưa tiến hành khoanh vùng dập dịch. Có thể nói công tác phòng chống dịch ở đây chưa được triển khai kịp thời và quyết liệt.
Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cùng với cán bộ chuyên môn đã trực tiếp xuống chỉ đạo xã Cẩm Hòa triển khai ngay các giải pháp phòng chống dịch càng nhanh càng tốt. Được biết, xã Cẩm Hòa có tổng đàn gia cầm khá lớn hơn 45.000 con. Vì vậy, công tác phòng chống dịch ở đây cần phải được làm đến nơi, đến chốn. Nếu để dịch bùng phát lan ra diện rộng thì thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và nhà nước là quá lớn.
Gia súc mắc bệnh ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) được đưa đi tiêu hủy |
Không chỉ ở Cẩm Hòa, tại Cẩm Vịnh, dịch cúm gia cầm cũng được phát hiện tại gia đình anh Bùi Đức Hải – xóm 3 có 10 con gia cầm bị bệnh chết. Hiện, cơ quan chuyên môn cùng với chính quyền địa phương tập trung khống chế, không để dịch lây lan sang các hộ chăn nuôi liền kề.
Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát tại thôn 4 xã Cẩm Hòa, chúng tôi được ông Trần Đình Cúc – Phó Chủ tịch UBND xã cùng với nhiều người dân cho rằng: Họ đã chứng kiến hàng chục bao tải đựng xác gia cầm trôi dạt vào cống K13 và các kênh N8, N9 từ hồ Kẻ Gỗ chảy về. Tại đây, mùi hôi thối phát ra nồng nặc làm ô nhiễm khắp cả vùng. Qua đó, viruts cúm gia cầm theo nguồn nước chảy qua nhà ông Đình dẫn đến đàn gia cầm của ông mắc bệnh và chết?. Sau đó mới lây lan ra các hộ liền kề.
Thức trạng trên cho thấy nguy cơ dịch cúm gia cầm sẽ bùng phát tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y nhấn mạnh: Dịch cúm gia cầm hiện nay trên địa bàn tỉnh với diễn biến hết sức phức tạp. Chi cục thú y đã kịp thời cung ứng 200.000 liều vắc xin cúm gia cầm về cho các huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, trong thời gian tới rất cần sự “chung tay” của chính quyền địa phương các vùng bị dịch và vùng đang được không chế để cùng với ngành chuyên môn nỗ lực dập dịch kịp thời và hiệu quả. Trong đó, thường xuyên phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại… và đặc biệt tổ chức tốt công tác tiêm vắc –xin phòng dịch cho đàn gia cầm trên địa bàn khống chế không để dịch tiếp tục lây ra diện rộng.