Diện mạo nông thôn mới ở các tỉnh phía Nam

Diện mạo nông thôn mới ở các tỉnh phía Nam
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, hầu hết các tỉnh phía Nam đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là về giao thông nông thôn và phát triển sản xuất.


Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Ngày 19/9 tại Quy Nhơn (Bình Định), Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Chương trình cho 32 tỉnh, thành phía Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau để cùng trao đổi những kết quả, những khó khăn và tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình trong thời gian tới.

 

Những kết quả đáng khích lệ

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 8/2012 đã có 30/32 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho Chương trình nông thôn mới với tổng số kinh phí là 13.580 tỷ đồng, tăng 43,7% so với năm 2011.

Trong cơ cấu vốn xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách chiếm 58-60%; doanh nghiệp chiếm 7-8%; tín dụng 20-25% và người dân đóng góp 10-12%.

Ở giai đoạn đầu, các tỉnh, thành đều tập trung vào hệ thống cơ sở hạ tầng, với tổng mức đầu tư khoảng 10.090 tỷ đồng.

Qua huy động vốn từ nhiều nguồn lực này, các tỉnh, thành phía Nam đã chỉnh trang, nâng cấp được gần 26.000km đường giao thông nông thôn (gồm đường xã, thôn, ấp); 8.000km kênh mương và gần 2.000 công trình cầu, cống các loại.

Các tỉnh như Quảng Nam, Đồng Nai, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp… có chính sách hỗ trợ từ ngân sách phù hợp nên đã huy động được sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng trong tu sửa, nâng cấp đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa, trường học …

Đồng thời, các tỉnh thành cũng đã triển khai trên 2.000 mô hình sản xuất. Trong đó nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt, được nhiều địa phương nghiên cứu, nhân rộng: “cánh đồng mẫu lớn” (An Giang), hỗ trợ nông dân phát triển “cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp” (An Giang, Đồng Tháp)… Ngoài ra, có 2.656 xã (chủ yếu là các xã khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên) đang thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại.

Điển hình như Bình Phước đã dựa vào lợi thế, tập trung phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê. Một số địa phương như Trà Vinh, Long An, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng đã có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch cũng tăng lên đáng kể: Đông Nam bộ đạt 90%, Tây Nguyên đạt 72% ...

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương cho rằng  hình hài nông thôn mới dần hình thành từ mô hình các xã điểm đã giúp chúng ta hình dung được diện mạo mới của một nông thôn trong tương lai.

 

Đoàn viên thanh niên huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, ra quân kiên cố hóa kênh mương 
- Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Tháo gỡ lúng túng trong triển khai

 

Tuy từng bước đạt được một số kết quả khả quan, nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tình hình triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh phía Nam còn chậm, chưa đồng bộ, quy hoạch thiếu chi tiết, liên kết và thống nhất.

Đến hết tháng 8/2012, hiện có 1.037/3.198 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch nông thôn mới (đạt 33% và chỉ bằng 17,5% so với bình quân chung cả nước). Trong đó, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ đề án được phê duyệt cao nhất là 51%; Đông Nam bộ là 38%; Đồng bằng sông Cửu Long 10% và Đông Nam bộ là 6%.

Một số địa phương có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch thấp như Đồng Nai 2%; Khánh Hoà 4%; Quảng Nam 7%, mới chỉ có 7 tỉnh cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch (đạt từ 90% số xã trở lên).

Các tiêu chí khác về văn hóa, xã hội, môi trường như quy hoạch và quản lý nghĩa trang; khai thông hệ thống tiêu thoát nước thải, xử lý rác thải ở các thôn, ấp… dường như chưa có chuyển biến tích cực, vẫn là những vấn đề bức xúc lớn ở nông thôn.

Cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang tính tự phát do chưa gắn kết với quy hoạch vùng. Liên kết sản xuất giữa nông dân - doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển. Công tác tập huấn, đào tạo nghề nông cho nông dân còn rất hạn chế... Do đó, việc xây dựng các vùng hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân sẽ khó hình thành bền vững.

Nhu cầu như phát triển nơi vui chơi, giải trí ở thôn, ấp; các hoạt động cải tạo cảnh quan, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, cơ cấu lao động vẫn chưa có nhiều biến chuyển.

Sau hơn 2 năm triển khai trên toàn quốc và dựa vào kết quả của 11 xã điểm, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung 10 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí đã được đặt ra về xây dựng nông thôn mới: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường để phù hợp hơn với thực tiễn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ tiếp tục đưa ra các chương trình đào tạo, cụ thể kế hoạch để những thay đổi giúp Chương trình sát thực hơn, phù hợp hơn với từng vùng miền, từng địa phương để nông thôn mới thực sự là một bàn đạp giúp các miền quê phát triển.

Các địa phương phía Nam cũng phấn đấu đến cuối năm 2012, có 90% số xã xong quy hoạch chung. Các xã “điểm” (đăng ký về đích năm 2015) phải xong quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng nông thôn mới, đồng thời, đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, coi trọng việc phổ biến rộng rãi các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong việc xây dựng nông thôn mới.

Hồng Hạnh
Nguồn: chinhphu.vn