Doanh nghiệp thủy sản: Khó khăn chồng chất
- Thứ hai - 02/04/2012 07:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đói vốn
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng hoặc ít có khả năng tiếp cận vốn. Hiện có đến 92,3% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khẩn cấp, trong đó mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất là 500 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho thu mua nguyên liệu sản xuất, thức ăn cho vùng nuôi và cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi cá tra, xuất khẩu bột cá, mỡ cá. 53,85% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển với mức thấp nhất là 2 tỷ đồng và cao nhất là 300 tỷ đồng để bổ sung đầu tư cho vùng nuôi tôm chân trắng, trang bị máy móc, sửa chữa, bổ sung năng lực cấp đông, đồng bộ cán cân tự động và các thiết bị phụ trợ, vốn trung hạn cho hoạt động xuất khẩu, xây nhà máy thức ăn, phát triển vùng nuôi, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, thiết bị.
Những khó khăn về vốn khiến doanh nghiệp cạn tiền để mua nguyên liệu, trong khi dân lại không chị bán hàng chịu, mà phải có tiền mặt nhằm tránh nguy cơ bị “quỵt tiền” như trường hợp của công ty thủy sản Bình An, dẫn đến giá tôm và cá tra sụt giảm. Hiện cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu loại 1 chỉ còn quanh 24.000 đồng/kg tại ao, thấp hơn 2.000 đồng so với đầu tháng và kém xa mức cao kỷ lục 29.000 đồng/kg thời điểm tháng 12 năm ngoái. Giá tôm sú cỡ 30 con/kg trong khi đó chỉ dao động quanh mức 170.000 đồng/kg tại ao, tôm chân trắng cỡ 50 con/kg khoảng 120.000 đồng/kg.
Cước phí vận chuyển tăng vọt
Theo ý kiến phản ánh của nhiều doanh nghiệp, từ đầu tháng 3/2012, các hãng tàu bắt đầu tăng cước vận tải biển, trung bình từ 240 - 800 USD/TEU (đơn vị tương đương containơ 20 feet) tùy theo từng cảng đến. Tiếp đó trong tháng 4 và tháng 5, cước vận tải lại có kế hoạch tăng tiếp, tổng cộng thêm khoảng 400 USD/TEU. Nguyên nhân là do giá dầu đứng ở mức cao và nằm trong lộ trình tăng giá trở lại của cước vận tải biển sau khi bị sụt giảm mạnh trong hơn một năm trước.
Việc cước phí tăng quá mạnh chắc chắn sẽ gây khó cho nhà xuất khẩu vì chi phí sản xuất sẽ đội lên. Thậm chí, cước phí cao sẽ phải cộng vào giá sản phẩm để san bớt khó khăn cho doanh nghiệp và như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường thế giới. Được biết, giá cước vận tải biển tại Việt Nam hiện vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin... từ 10-15%/TEU.
Vì cước phí tăng cao khiến cho doanh nghiệp đã khó khăn nay càng rơi vào cảnh khốn khó, Vasep đã gửi công văn lên Bộ Công Thương, hiệp hội cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam để kiến nghị giảm cước vận tải của các tàu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Phí kiểm dịch tăng theo cấp số nhân
Theo quy định tại Thông tư 04 do Bộ Tài chính ban hành, quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, có hiệu lực từ 1/3, thì các mức phí kiểm dịch áp dụng đối với lô hàng thủy sản nhập khẩu tăng quá mạnh, gấp 3 lần so với quy định cũ.
Theo đó, mức phí kiểm dịch thú y với lô hàng nhập khẩu lên tới 200.000 đồng/lô hàng dưới 12 tấn, và 400.000 đồng/lô hàng từ 12 – 24 tấn theo quy định mới. Còn quy định cũ của năm 2010 thì phí kiểm dịch áp dụng chung tại mức 285.000 đồng/lô, mà không phân biệt lô hàng lớn nhỏ.
Do đã gặp khó về nguyên liệu (không chỉ do thiếu vốn, mà nguồn nguyên liệu còn hiếm do nông dân chủ động giảm nuôi trồng), nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến và gia tăng xuất khẩu. Nhưng giờ đây việc áp dụng phí mới khiến các doanh nghiệp nhập lượng hàng lớn hoặc cả tàu nguyên liệu sẽ phải gánh một khoản phí cực lớn.
Ngoài ra, hoạt động kiểm dịch lô hàng thủy sản đông lạnh hiện nay thực tế chỉ là kiểm tra cảm quan, không có gì cải tiến so với trước, nên doanh nghiệp cho rằng việc tăng phí là chưa hợp lý. Vasep cũng đã gửi công văn tới Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để kiến nghị xem lại mức phí, nhằm giảm khó cho doanh nghiệp.
Khó cả thị trường xuất khẩu
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm nay đạt 775 triệu USD, chỉ tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2011 trong khi đó tăng trưởng tới xấp xỉ 50%.
Trong số các thị trường lớn thì xuất khẩu sang EU hai tháng qua giảm 7%, sang Mỹ chỉ tăng 11,5% và sang Nhật tăng 25,3%. Cách đây 1 năm, mức tăng trưởng sang cả ba thị trường chính đều đạt trên 30%.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, chỉ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD của ngành thủy sản năm nay sẽ khó đạt vì những khó khăn nêu trên vẫn chưa giải quyết được, khi giờ đây đã bước vào quý 2.
Phương Thảo
Theo TTVN