Đổi mới công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm

Thời gian qua, các hành vi vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm không chỉ là gian lận về mặt chất lượng đơn thuần mà còn vi phạm nghiêm trọng về điều kiện sản xuất kinh doanh (SXKD), không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh lao động, kho tàng bảo quản sản phẩm...
Đổi mới công tác quản lý chất lượng  vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
Các hộ SXKD chưa áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, không tuân thủ các quy định về ghi nhãn mác bao bì, không có các biện pháp giảm thiểu và hạn tối đa các yếu tố gây tác động xấu đến môi trường. Năm 2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 14/2011/BNN về việc kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đây là phương pháp tiếp cận mới bằng hình thức tổ chức thống kê lập sổ bộ các cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên toàn quốc, đồng thời tiến hành đánh giá phân loại (A,B,C) và có chế độ quản lý giám sát phù hợp đối với từng đối tượng, nhằm mục đích loại bỏ các cở sở SXKD không đạt các điều kiện quy định, loại bỏ hàng hoá vật tư kém chất lượng và các sản phẩm nông lâm thuỷ sản gây mất ATTP.
          Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp, góp phần hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng và có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm trên thị trường, năm 2012, cần triển khai một số nội dung trọng tâm: Đào tạo, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ thống kê, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cơ sở SXKD hàng hóa vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản cho cán bộ, công chức ngành nông nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ khuyến nông, khuyến ngư một số xã trọng điểm; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thống kê, lập danh sách các cơ sở SXKD thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở và tiến hành phân loại các cơ sở theo các hình thức: loại A (tốt), loại B (đạt), loại C (không đạt) và thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở, nhằm nâng cao ý thức của người SXKD, đẩy lùi các mặt hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng góp phần nâng cao hiệu quả cho người sản xuất./.
         
                                                                        PHÒNG QLCL NÔNG LÂM THỦY SẢN