Đổi thay trên chiến địa Plei Me

Đổi thay trên chiến địa Plei Me
Sau gần 50 năm, chiến địa Plei Me, xã Ia Pia (Chư Prông - Gia Lai) đã không còn cảnh hoang tàn, đổ nát thời chiến tranh, thay vào đó là vùng quê trù phú với bạt ngàn càphê, tiêu, sắn… Nhờ sự cần cù, sáng tạo của người dân, Plei Me ngày càng đổi thay mạnh mẽ.

Quá khứ hào hùng

Về thăm nơi từng được mệnh danh là mảnh đất "chết" một thời, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay mạnh mẽ của Plei Me. Ngược về quá khứ, ngày 19/10/1965, chiến dịch Plei Me bắt đầu, mở màn cho cuộc chiến chống đế quốc Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, già làng Krốt bồi hồi kể về những ngày "nằm gai nếm mật" ấy: "Ngày đó, vùng đất này có 8 làng, ai cũng nghèo nhưng mọi người vẫn góp gạo nuôi bộ đội đánh giặc. Nhiều lần giặc kéo đến, chúng đốt hết nhà cửa, dọa nếu còn đi theo bộ đội sẽ giết cả làng. Nhưng lời đe dọa của giặc không làm lung lay ý chí của dân làng mà ngược lại, chúng tôi còn trở thành căn cứ che giấu bộ đội vững chắc".

Được sự dẫn dắt của cách mạng, già Krốt cùng dân làng đào hầm, vót chông để cản bước tiến của kẻ thù, cùng với bộ đội tiêu diệt hàng ngàn tên địch, góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi sau này. Ngày 19/11/1965, chiến dịch Plei Me kết thúc trong niềm vui chiến thắng.

Tuy nhiên, đằng sau niềm vui chiến thắng là mảnh đất Plei Me hoang tàn, đổ nát, nhà cửa, làng bản và những cánh rừng đều bị bom đạn cày xới nham nhở. Nhưng với ý chí kiên cường, già Krốt khi ấy là xã đội trưởng đã tập hợp và kêu gọi bà con đang di tản trong rừng trở về làng xây dựng cuộc sống mới.

Quê nghèo đổi thay

Sau gần 50 năm, những đau thương mất mát của chiến tranh lùi dần vào quá khứ. Giờ đây Plei Me đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Đường vào các thôn làng được trải nhựa hoặc bê-tông phẳng lỳ. Hai bên đường là những trụ tiêu xanh ngắt trải dài tới tận các chân đồi, lấp ló trong đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang.

Nằm giữa chiến địa Plei Me hôm nào, xã Ia Pia hôm nay có 1.530 hộ (5.128 khẩu), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, với hơn 33.000ha đất sản xuất nông nghiệp. 

Chỉ tay về phía những cánh đồng tiêu xanh ngắt đang vươn mình trên mảnh đất bom đạn trước đây, ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND xã Ia Pia cho biết: "Trước kia, cuộc sống của người dân rất khó khăn, chủ yếu dựa vào cây sắn. Từ ngày tiêu, càphê có chỗ đứng ở Tây Nguyên, nhiều hộ mạnh dạn khai hoang, cải tạo đất để đưa tiêu, càphê về trồng. Đến giờ, toàn xã đã có gần 600ha tiêu, thu nhập của bà con tăng lên trông thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn…".

Đặc biệt, vụ thu hoạch năm 2011 - 2012, người dân Ia Pia trúng lớn cả càphê, hồ tiêu và sắn, nhờ vậy xã đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân với thu nhập hàng năm lên đến vài tỷ đồng như các ông Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Du, Vũ Anh Trung... Những hộ người dân tộc thiểu số cũng không hề kém cạnh như gia đình già làng Rơ Mah Đơm ở làng Lê Ngó thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; anh Rơ Mah La ở làng Lú, thu nhập 500 triệu đồng/năm…

Theo lời Rơ Mah La, người Gia Rai ở làng Pia, có được thành quả như hôm nay là nhờ địa phương thực hiện tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, Nhà nước đã tích cực hướng dẫn người dân bỏ thói quen trồng lúa rẫy, thay vào đó là gieo trồng những giống lúa lai, mì cao sản, trồng cây công nghiệp dài ngày…

"Nhờ làm ăn được nên hàng năm người dân rất tích cực đóng góp cho việc xây dựng các công trình công cộng của xã. Chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, nhờ nguồn tiền đóng góp của bà con mà xã đã làm được 5km đường nhựa và đường bê-tông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường liên thôn dài 5,5km với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đây chính là nền tảng vững chắc để Ia Pia tiến bước trên chặng đường xây dựng nông thôn mới", ông Thủy nói.

Nguyễn Kim
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn