Dùng phần thưởng để làm đường
- Thứ năm - 30/05/2013 22:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Trần Phi Long - Chủ tịch UBND xã Điền Công (TP.Uông Bí, Quảng Ninh-ảnh), kiêm Trưởng ban Xây dựng NTM xã này chia sẻ với phóng viên NTNN.
Ông Trần Phi Long chia sẻ:
Xã Điền Công đã “về nhì” và đạt cờ thi đua trong phong trào “Xã nông thôn mới – phường, thị trấn văn hóa” năm 2012. Sau khi nhận “phần thưởng” (một công trình phúc lợi công cộng do tỉnh Quảng Ninh ưu tiên đầu tư, trị giá 3 tỷ đồng), Điền Công sẽ gửi kế hoạch lên Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phê duyệt kinh phí mở rộng tuyến đường từ cầu Uông Bí 1 vào trụ sở UBND xã (đường rộng 5,5m, dài 780m). Tuy nhiên, 3 tỷ đồng chưa đủ để thực hiện công trình này. Do đó, Điền Công sẽ xin vốn đối ứng từ Ban Xây dựng NTM TP.Uông Bí thêm 2 tỷ đồng. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông Trần Phi Long |
Không chỉ hoàn thành 19/19 tiêu chí, Điền Công còn cán đích sớm hơn kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh tới 3 năm. Vậy đời sống và thu nhập của người dân thay đổi như thế nào?
- Kết quả đạt được lớn nhất của Điền Công là thay đổi diện mạo của xã, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều: Thu nhập bình quân đầu người từ 12,2 triệu đồng/người/năm (2010), nay đã đạt 20,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,3% (2010) xuống còn 2,7%.
Ông Trần Phi Long
Ông có thể cho biết cụ thể hơn, chẳng hạn như trong sản xuất nông nghiệp đã có diện mạo mới như thế nào?
- Về nông nghiệp, chúng tôi hướng vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mời các chuyên gia từ viện nghiên cứu về để tư vấn bà con, lựa chọn loại cây phù hợp, hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật mới. Như năm 2012, toàn xã trồng 5ha cây dưa hấu, dưa gang, dưa lê, năm nay tăng lên 10ha... Tổng thu nhập bình quân trên cánh đồng đã đạt 100–120 triệu/ha... Nguồn vốn cho nhân dân vay để phát triển kinh tế sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT đạt đến 6 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng NTM, xã Điền Công có cách làm khác biệt nào so với xã khác?
- Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Điền Công cũng huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp và nhân dân. Lực lượng chủ đạo, nòng cốt là công – nông – lực lượng vũ trang. Cách làm cũng khác với các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đó là làm theo phương châm “chìa khóa trao tay”:
Xã sẽ hỗ trợ hồ sơ thiết kế công trình, cung cấp điện nước, tổ chức lực lượng bảo vệ tài sản trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp hỗ trợ nguyên vật liệu và đưa người đến thi công. Sau khi hoàn thành, doanh nghiệp bàn giao lại cho xã và gửi báo cáo hạch toán kinh phí công trình. Sau 2 năm thực hiện, chúng tôi đã vận động vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp hơn 16 tỷ đồng.
Trong 19 tiêu chí đã đạt, ông đánh giá việc thực hiện tiêu chí nào để lại ấn tượng nhất?
- Cá nhân tôi đánh giá, tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh nông thôn đem lại ấn tượng nhất. Chẳng hạn, công trình nhà vệ sinh và khu chuồng nuôi gia súc, gia cầm của người dân nhiều năm trước vẫn giữ nguyên theo lối “mặt tiền” (chưa vào đến nhà đã thấy chuồng). Để làm công tác tư tưởng cho bà con hiểu và chuyển dịch theo quy hoạch của xã là cả một hành trình xuyên suốt 2 năm qua. Đến nay, 100% nhà vệ sinh và khu chuồng nuôi của người dân đã vào quy hoạch.
Để thực hiện tiêu chí môi trường, từ đầu năm 2011, chúng tôi vận động bà con tập kết rác thải về khu tập trung để chôn lấp. Xã thành lập các tổ thu gom rác và mua xe thu gom rác, dụng cụ bảo hộ lao động, trả lương công nhân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2012, TP.Uông Bí đưa xe về vận chuyển rác thải lên khu tập trung của thành phố, 2 ngày/lần. Thực trạng phóng uế bừa bãi của gia súc, gia cầm trên các tuyến đường giao thông chính cũng được giải quyết bằng cách mở một tuyến đường đất riêng cho động vật.
Xin cảm ơn ông!
Ngô Xuân - Anh Tuấn
(danviet.vn)