Đường mới ở Lý Nhơn

Đường mới ở Lý Nhơn
Chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới (NTM), bộ mặt Lý Nhơn- một xã vùng sâu, vùng xa của TP.Hồ Chí Minh, cách trung tâm huyện Cần Giờ 70 km, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nay đã hoàn thiện và thay đổi rõ nét. Người dân được hưởng thụ nhiều hơn từ những công trình hạ tầng này.
 
Nhờ đầu tư có hiệu quả cơ sở hạ tầng 
mà bộ mặt ở xã Lý Nhơn đã được đổi thay 
 
Ông Lê Phước Hồng – Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, cán bộ, đảng viên trong xã đã tích cực vận động quần chúng thực hiện chủ trương của thành phố. Huy động bộ phận đảng viên cùng tham gia thực hiện, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm để xây dựng nhiều nội dung khác nhau. Đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện những nội dung này. 
 
"Sự đồng thuận của đại bộ phận người dân là nền tảng quan trọng trong quá trình triển khai hiệu quả các giải pháp xây dựng nông thôn mới”, ông Hồng khẳng định. 
 
Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Cần Giờ cho thấy, qua 3 năm xã Lý Nhơn đã tổ chức thi công, nghiệm thu, đưa vào sử dụng 24/25 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 64.598m. Theo ông Đoàn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trong quá trình thực hiện, bằng hành động cụ thể, thiết thực, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên xã Lý Nhơn đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc hiến đất, giao đất. Ban quản lý xã cùng các đoàn thể tổ chức vận động 984 lượt hộ dân hiến đất, trong đó hiến 100% đất là 375 lượt hộ, với diện tích hơn 20,8 vạn m2, trị giá trên 20 tỷ đồng.
 
Kết quả đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tại địa phương mà chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại đã tạo ra cơ hội to lớn cho địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững. Các dự án trên địa bàn ngay sau đầu tư đã bắt đầu phát  huy tác dụng. Đó là tuyến đường Gốc Tre, tạo điều kiện cho nông dân ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, trên 100 ha nuôi tôm do điều kiện đi lại thuận tiện, vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch dễ dàng, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân. 
 
Đến thăm đường xuống ruộng muối Tiền Giang mới thấy hết được sự thuận lợi từ một con đường. Từ ngày có đường mới, việc đi lại của  hàng trăm người lao động đã trở nên dễ dàng thuận tiện hơn nhiều từ khâu sản xuất cho đến khâu vận chuyển muối, góp phần giảm chi phí giá thành vận chuyển.
 
"Đối với người làm muối như chúng tôi, từ ngày có đường mới, việc vận chuyển từ nơi sản xuất ra bến tập kết tiêu thụ muối sau khi thu hoạch vô cùng thuận lợi. Bên cạnh đó, sự đầu tư về cơ sở hạ tầng mà chương trình nông thôn mới đem lại còn tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá, chúng tôi thực sự phấn khởi trước sự thay đổi này”, bà Cao Thị Vân, một diêm dân chia sẻ. 
 
Nhận xét về kết quả đạt được của xã Lý Nhơn, ông Lê Thanh Liêm -  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới TP.Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tại xã Lý Nhơn là một sự thành công lớn. 
 
"Cùng với những thành quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới trong 3 năm đã thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, ông Liêm khẳng định.
QUỐC ĐỊNH
Theo daidoanket.vn