Giá trị cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 20/02/2015 04:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không ngừng phấn đấu
Bước sang tuổi bát tuần nhưng lão nông Nguyễn Văn Huy vẫn tinh mẫn lắm. Mỗi sáng, lão vẫn điều độ ra chăm sóc khu vườn trước nhà. Chiều chiều, lão lại rải bước trên con đường làng để chiêm nghiệm sự đổi thay trên quê cha, đất mẹ. Ngoài vốn sức khỏe dẻo dai, gia tài được lão nâng niu, gìn giữ nhất chính là mảnh vườn rộng hơn 4.000 m2. “Cái quý không phải ở diện tích mà là những gì đang có trên mảnh vườn. Cả xóm, cả làng thi nhau xây dựng NTM, rồi phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu được phát động, len lỏi vào mỗi gia đình. Chúng tôi quy hoạch vườn thành các khu vực, luống đất sản xuất riêng: đất có hàm lượng mùn cao, cao ráo, thoát nước dành để trồng cam; nơi có kết cấu đất tơi xốp, thoáng khí, sạch cỏ, nhất là loại đất thịt pha cát thì trồng mướp ngọt, mướp đắng và bí… Nhờ cơ cấu cây trồng hợp lý, sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón, xử lý môi trường tốt nên ngay từ năm đầu tiên, các sản phẩm cây trồng đã mang về gần 100 triệu đồng, trừ chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 50 triệu đồng” - lão rành như một kỹ sư nông nghiệp.
Thành viên ban chỉ đạo bỏ phiếu công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. |
“Nhiều người khuyên tôi, bằng này tuổi nên nghỉ ngơi, mọi việc có con cháu lo, nhưng nghỉ sao được chú! Mình còn sức thì phải làm việc chứ, tìm được niềm vui và sức khỏe từ lao động mới quý. Như xã Cẩm Bình chúng tôi, mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng cả làng, cả xã có ai nghỉ ngơi, bằng lòng với những gì đạt được mô. Trên mỗi luống cày, mỗi ngôi nhà, mỗi cung đường, mỗi cánh đồng, đâu đâu người dân cũng đang căng sức củng cố, nâng cao chất lượng những kết quả đạt được để hướng đến giá trị vững bền của NTM” - ông Huy bộc bạch.
Quả thật, noi gương lão, nhiều gia đình ở thôn Tân An xây dựng những khu vườn mẫu cho giá trị kinh tế cao. Theo Bí thư chi bộ thôn Tân An - Nguyễn Thị Đạt, không chỉ phát huy giá trị kinh tế của mỗi khu vườn, từ thực tiễn triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, người dân thôn Tân An đã nhận thức một cách sâu sắc trách nhiệm của người dân đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, cụ thể là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Ngoài xây dựng thành công 10 vườn mẫu, 123 hộ còn lại ở Tân An đã chú trọng phát triển kinh tế vườn bằng các giống rau, củ, quả như: mướp đắng, mướp ngọt, bí xanh, thu nhập từ 50-120 triệu đồng/vườn/năm.
Chúng tôi hiểu rằng, người dân Cẩm Bình chẳng bao giờ bằng lòng với mức đạt chuẩn NTM. Với sức sống bền bỉ của vùng quê anh hùng, họ sẽ vươn đến những giá trị to lớn hơn.
Hướng đến những giá trị vững bền
Những ngày này, đi khắp các làng quê ở Hà Tĩnh, đâu đâu cũng cảm nhận được sự đổi thay trên mỗi nếp nhà, ngõ xóm. Từ làng trên, xóm dưới, từ chính quyền đến các lực lượng chức năng đều căng mình cùng dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống, phát triển sản xuất, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu trên chính đồng đất của mình.
Một góc Khu dân cư kiểu mẫu ở Xuân Mỹ |
Theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) Nguyễn Sông Hàn, quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở Thạch Hạ, xây dựng NTM phải gắn liền với việc hình thành đô thị trong tương lai. Do vậy, các tiêu chí NTM ở Thạch Hạ phải được thực hiện ở mức độ đạt chuẩn cao hơn bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đã được ban hành. Bên cạnh quan tâm đến khâu lập quy hoạch, nhất là quy hoạch giao thông và khu dân cư để đảm bảo vừa đạt chuẩn theo tiêu chí NTM, vừa tiệm cận xu hướng mở rộng đô thị trong tương lai, địa phương luôn chú trọng, ưu tiên phát triển sản xuất, coi đây là mục tiêu, động lực để xây dựng NTM.
Trước đây, không ít địa phương do hiểu sai chủ trương xây dựng NTM là phải xây dựng lớn, nên đã tiến hành bê tông hóa gần như toàn bộ hạ tầng nông thôn. Do vậy, những bờ rào dâm bụt, mạn hảo, những hàng cây ăn quả xanh tốt lần lượt bị đốn ngã, nhường chỗ cho những bức tường gạch kiên cố, phần nào ảnh hưởng đến vẻ đẹp truyền thống của các làng quê. Vậy, làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhưng vẫn giữ được hồn quê?
Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho rằng, suy cho cùng, mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân chính là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ xây dựng NTM. Bên cạnh sự phát triển đồng đều, toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội thì cốt cách, bản sắc văn hóa làng quê cần được gìn giữ và phát huy. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Hà Tĩnh đã sáng tạo, mạnh dạn triển khai thêm tiêu chí thứ 20 (khu dân cư kiểu mẫu) để các địa phương cùng phấn đấu, thực hiện. Thực tế triển khai nội dung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn cho thấy, không những khai thác tối đa giá trị kinh tế vườn hộ, sau cải tạo và xây dựng theo thiết kế, các hộ dân đã sắp xếp, bố trí lại nhà cửa ngăn nắp, xóa hết số nhà tạm bợ, dột nát, di dời nhiều công trình phụ bất hợp lý. Cùng với biểu tượng cây đa, giếng nước, sân đình, những trung tâm sinh hoạt cộng đồng hiện đại được bao bọc bởi những hàng rào xanh phủ bóng đã dệt nên không gian NTM vừa hiện đại, vừa cổ kính.
Có về Tùng Ảnh (Đức Thọ) chứng kiến người dân vừa hoàn thiện hạ tầng đồng bộ vừa giữ gìn truyền thống văn hóa khoa bảng, lưu giữ gia phong mới thấy được cốt cách của người dân đất học. Nếu có dịp được tham gia sinh hoạt với các dòng họ hiếu học, dòng họ tự quản hay các câu lạc bộ: Bình đẳng giới, Không sinh con thứ 3 hoặc nghiền ngẫm quy ước, hương ước các tổ dân phố, thôn xóm ở Thạch Châu (Lộc Hà) sẽ dễ dàng nhận ra sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Bằng văn hóa, từ văn hóa, các cộng đồng dân cư đã cố kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Và, nói như Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Châu - Lê Văn Thông, khi được quan tâm, tạo điều kiện phát triển sản xuất, được thụ hưởng các thiết chế hạ tầng đồng bộ thì người dân sẽ tự ý thức phải có trách nhiệm cao hơn với cộng đồng, xã hội, từ đó, hòa mình, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó cũng chính là mục tiêu mà chương trình xây dựng NTM hướng tới.
Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn