Giữ ngọn lửa văn hóa
- Thứ bảy - 26/03/2016 08:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những đốm than hồng
Ngoài bảy mươi, rung chòm râu bạc, già Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui, Bắc Trà My) vẫn chắc nịch trong giọng nói trầm vang như tiếng chiêng ngân giữa đại ngàn. Như một ngọn than hồng trên bếp lửa nhà chung, già Dinh lặng lẽ giữ hồn văn hóa Ca Dong bằng cách tự làm và sưu tập, gìn giữ những nhạc cụ của dân tộc mình, đồng thời truyền dạy cho lớp trẻ những điệu hát, điệu múa và cả cách chơi nhạc cụ. Nhiều năm liền, già Dinh dẫn đầu đoàn biểu diễn huyện Bắc Trà My giao lưu trong các lễ hội văn hóa, thể thao các huyện miền núi. Tháng 7.2014, tại Lễ hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XVIII tổ chức tại huyện Bắc Trà My, màn trình diễn cồng chiêng của già Dinh cùng đội dân vũ đã tạo nên sức hút đối với đông đảo người tham dự bằng tiếng chiêng ngân, bằng những vũ điệu mê đắm của người Ca Dong. “Đây là văn hóa của dân tộc mình, là cái riêng của mình, mình phải tự lưu giữ, tự bày dạy cho con cháu mình để nó nhớ, nó tiếp tục. Đó là vốn quý văn hóa của người Ca Dong cần phải gìn giữ” - già Dinh chia sẻ.
Già làng Hồ Văn Dinh (ngoài cùng bên phải) cùng các nghệ nhân huyện Bắc Trà My trình diễn điệu múa cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Già Dinh được đánh giá là một trong những cây đại thụ tiêu biểu ở vùng cao Bắc Trà My. Chính nhờ những “đốm than hồng” như già Dinh, bản sắc văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn huyện được tiếp lửa, giữ gìn. Trân trọng vai trò của các già làng, địa phương khơi dậy sự nhiệt huyết của các già làng để giúp các bản làng duy trì và phát huy những giá trị độc đáo của dân tộc mình. Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng VH-TT huyện Bắc Trà My, chia sẻ, không chỉ tìm giải pháp bảo tồn văn hóa văn nghệ truyền thống, chính quyền còn rất quan tâm đến việc bảo tồn tiếng nói của đồng bào trước sự giao thoa mạnh mẽ của văn hóa hiện đại. “Chúng tôi đang hướng đến việc bảo tồn tại gốc, tức là bảo tồn từ chính trong cộng đồng từng làng, từng bản của đồng bào các dân tộc. Thông qua những hạt nhân quan trọng, uy tín như già Hồ Văn Dinh và các già làng tiêu biểu, địa phương sẽ vận động, giáo dục để bà con, nhất là lớp trẻ ý thức và chung tay trong công cuộc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình” - bà Nga nói.
Tiếp lửa cho thế hệ trẻ
Năm 2009, huyện Bắc Trà My đã xây dựng đề án điều tra sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Co, Ca Dong (hai tộc người lớn nhất, chiếm hơn 50% dân số huyện Bắc Trà My) để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa này. Đề án đã tập trung vào việc sưu tầm các hiện vật về đời sống, lao động sản xuất, trang phục, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc và nhạc cụ cùng các mô hình về nhà ở, nhà mồ, nhà gấc… của đồng bào Co và Ca Dong. Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, đã có hơn 100 hiện vật được sưu tầm, xử lý, hoàn thành trên 70% kế hoạch đề ra. Ngoài ra, công tác nắm thông tin hiện vật có ở cơ sở đã được triển khai ở các xã Trà Kót, Trà Bui… là nền tảng để có hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian sắp đến. Đặc biệt, tại nhiều dịp như lễ hội văn hóa miền núi, các đợt giao lưu, gặp mặt, không chỉ có các điệu hát, điệu múa cồng chiêng, mà những nghi thức, giá trị ẩm thực cũng được khéo léo đưa vào nội dung giao lưu. Việc này vừa góp phần duy trì văn hóa truyền thống, vừa là dịp để quảng bá, giáo dục cho các thế hệ trẻ về dân tộc mình và các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Tháng 8.2015, đồng bào dân tộc Co hân hoan đón nhận bằng công nhận nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của dân tộc mình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với quá trình dày công bảo tồn, góp phần giáo dục lòng tự hào cho thế hệ trẻ để chung tay gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào trên địa bàn huyện, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng công tác này đã tạo được nhiều chuyển biến trong việc khơi dậy tiềm năng, nội lực hiện tại. Đi đôi với việc phục dựng các lễ hội, huyện Bắc Trà My cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng quảng trường văn hóa, là không gian trưng bày, quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương rất chú trọng tới việc duy trì, giáo dục cho thế hệ trẻ biết, hiểu, tự hào và ý thức tự giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình. “Việc phục dựng, gìn giữ là trách nhiệm chung của cộng đồng, nhưng lợi ích và sự tôn vinh gần gũi nhất đối với chính dân tộc đó. Do vậy, cộng đồng làng - trong đó có vai trò của các già làng uy tín, sẽ tiên phong, tích cực trong việc điều chỉnh, bảo tồn, giáo dục lớp trẻ chung tay giữ sắc màu văn hóa dân tộc mình trong nhịp chảy hiện đại” - ông Tuấn khẳng định.
Theo http://nongthonmoi.net/