Gỡ khó về nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Cắt giảm những hạng mục không cần thiết

Gỡ khó về nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Cắt giảm những hạng mục không cần thiết
Hà Nội đã có 21 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) và mục tiêu đến hết năm 2013, toàn TP có 48 xã đạt chuẩn NTM. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này trong điều kiện khó khăn về nguồn lực, vấn đề quan trọng là các địa phương cần rà soát lại đề án NTM, cắt giảm những hạng mục không cần thiết.
Khó huy động vốn
 
Ông Lê Thiết Cương - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP cho biết, việc triển khai thực hiện các dự án trong đề án NTM liên quan đến nguồn vốn lồng ghép ở nhiều địa phương như Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai.. còn lúng túng. Do đó, nếu không bố trí vốn kịp thời thì việc hoàn thành xây dựng NTM ở các xã điểm vào cuối năm 2013 là khó khả thi.
 
Đường làng, ngõ xóm tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Thiện
Đường làng, ngõ xóm tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Quang Thiện
Trong khi đó, các thủ tục đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt dù đã được quan tâm tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều bất cập nên việc huy động kinh phí của các xã gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn. Theo báo cáo, đến 31/8, toàn TP còn 11/29 đơn vị nợ xây dựng cơ bản với tổng số tiền 709,8 tỷ đồng (1.038 dự án). Trong đó, huyện Mê Linh nợ 136,023 tỷ đồng, Phúc Thọ: 107,270 tỷ đồng…
 
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Duy Phong cho biết, việc huy động vốn trong nhân dân, doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn. Nhiều địa phương chưa bóc tách, hạch toán được các nguồn vốn dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Một số đơn vị, Phòng Tài chính các huyện vẫn chưa thực sự khẩn trương vào cuộc thẩm tra hồ sơ, điều kiện cấp mã số cho các dự án trong đề án xây dựng NTM, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, việc áp dụng quy định mở mã số đối với các dự án sửa chữa nhỏ, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau cũng đang nảy sinh nhiều bất cập.
 
Rà soát các dự án
 
Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn như hiện nay, mục tiêu đạt 48 xã NTM vào cuối năm 2013 của TP được đánh giá là nhiệm vụ không đơn giản. Theo ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, đề án xây dựng NTM của mỗi xã phải mất ít nhất 500 - 600 tỷ đồng. Như vậy với lộ trình 5 - 6 năm, mỗi xã cần trung bình 100 - 120 tỷ đồng/năm nên không thể có đủ "lực" để triển khai. Do vậy, mỗi xã cần đánh giá lại các tiêu chí NTM, tập trung ưu tiên các tiêu chí cấp thiết nhất và tiêu chí không cần nhiều kinh phí.
 
Theo dự báo, thu ngân sách của TP trong năm nay sẽ đạt thấp hơn năm ngoái nên nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM trở nên khó khăn hơn. Bởi vậy, lãnh đạo Sở KH&ĐT đề nghị, ngay cả đối với những công trình trong diện phải làm, các địa phương cũng phải rà soát, tính toán, đảm bảo tiết kiệm tối ưu.
 
Tại buổi giao ban kết quả thực hiện Chương trình 02 toàn TP đến quý III/2013 mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, trong 3 tháng còn lại, các sở, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt hoàn thành NTM ở các xã điểm. Trong đó, cố gắng hoàn thành những công trình còn dở dang như trường học, trạm y tế… và từng bước hạn chế nợ công. Phó Bí thư Thường trực đề nghị Sở TN&MT chủ trì phối hợp cùng các huyện, sở, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp tháo gỡ việc đấu giá đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM cho các địa phương. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 từ TP đến huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh tại các địa phương.
Thiên Tú
Nguồn: ktdt.com.vn