Gỡ khó vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới

Năm 2013, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi các địa phương cần có những giải pháp tích cực, đồng bộ.
ệ thống kênh mương nội đồng và đường giao thông tại xã Mai Ðình (huyện Sóc Sơn). Ảnh: TRẦN HUẤN


Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội, cho đến nay thành phố có 21 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 94 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, gần 190 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 13 tiêu chí. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới gần 10.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố gần 2.600 tỷ đồng, ngân sách các huyện hơn 4.300 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 370 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 1.140 tỷ đồng... Các địa phương đã giải ngân gần 8.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng đã cho hơn 38.000 hộ dân và gần 60 doanh nghiệp vay hơn 1.100 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu.

Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn, do công tác đấu giá đất tại các địa phương, nguồn lực chủ yếu để xây dựng nông thôn mới không đạt kế hoạch đã ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Chủ tịch UBND xã Mai Ðình (huyện Sóc Sơn) Lê Ðăng Minh cho biết, mặc dù là xã thuộc địa bàn trung tâm của huyện, nhưng trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã mới chỉ đạt một tiêu chí là an ninh trật tự xã hội. Sau gần ba năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn cho nên tiến độ một số dự án bị chậm, như nâng cấp, cải tạo bốn tuyến đường giao thông tại thôn Thái Phù với chiều dài khoảng 3 km, đầu tư xây dựng trường trung học cơ sở đã xuống cấp... Việc huy động vốn của xã gặp rất nhiều khó khăn vì chủ yếu trông chờ vào tiền đấu giá đất xen kẹt, nhưng việc đấu giá 3.500 m2 đất vừa qua chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Việc huy động nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Ðạt được 18 tiêu chí đã khó, nhưng để hoàn thành và bảo đảm các tiêu chí ở mức cao, bền vững, xã đề nghị thành phố, huyện tiếp tục bố trí đủ vốn theo đề án đã phê duyệt; cho phép xã đấu giá tiếp một số khu đất xen kẹt để địa phương có thêm nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các dự án trong đề án xây dựng nông thôn mới liên quan đến nguồn vốn lồng ghép ở nhiều địa phương như các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai... còn khó khăn, lúng túng. Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, riêng nguồn kinh phí để thực hiện việc dồn điền đổi thửa hơn 35 nghìn ha kết hợp với cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng trong ba tháng cuối năm là khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được đáp ứng dẫn đến khó khăn cho các địa phương. Ngoài ra, công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, dàn trải dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các công trình. Tính đến tháng 9-2013, trên địa bàn thành phố còn 12 huyện, thị xã nợ xây dựng cơ bản hơn 700 tỷ đồng tại hơn 1.000 dự án, trong đó huyện Mê Linh nợ hơn 135 tỷ đồng, Phúc Thọ gần 110 tỷ đồng...

Theo dự báo, thu ngân sách của thành phố trong năm nay sẽ đạt thấp hơn kế hoạch, ảnh hưởng nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Phạm Văn Khương cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2015, để hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 161 xã, tổng nhu cầu vốn thực hiện là hơn 52.000 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn 2013 - 2015, ngân sách thành phố cần phải cân đối, hỗ trợ khoảng 10.700 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện cần khoảng 8.000 tỷ đồng để triển khai và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo phân kỳ đầu tư đã được duyệt. Năm 2013, thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 508 tỷ đồng. Trong điều kiện nhu cầu đầu tư lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế, các địa phương cần rà soát lại các đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, xác định lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp, biện pháp trọng tâm trong triển khai thực hiện từng đề án. Xem xét, cắt giảm những hạng mục không cần thiết để tránh đầu tư dàn trải, lựa chọn phương án tối ưu về kinh tế, kỹ thuật và biện pháp thi công... nhằm giảm chi phí đầu tư các dự án.

Thời gian còn lại không còn nhiều, để đạt mục tiêu 48 xã nông thôn mới, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất, quản lý các dự án đầu tư hạ tầng. UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục ưu tiên đầu tư, hỗ trợ ngân sách cho các dự án phát triển sản xuất, trước mắt xem xét ứng trước khoảng 500 tỷ đồng từ dự toán ngân sách năm 2014 để hỗ trợ các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó ưu tiên thanh toán khối lượng thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, bảo đảm hoàn thành trong năm 2013. Các địa phương tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất. Các xã điểm khẩn trương hoàn thành các tiêu chí còn lại, trong đó tập trung hoàn thành những công trình đang thi công dang dở.

Ngọc Minh 
Nguồn nhandan.org.vn