Hà Nội: Nhiều giải pháp đột phá XDNTM

Hà Nội: Nhiều giải pháp đột phá XDNTM
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân với mục tiêu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM, TP. Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể và tập trung các nguồn lực cho chương trình này.

Tập trung mọi nguồn lực

Thời gian qua, ngoài việc tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong XDNTM, TP.Hà Nội còn thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu XDNTM. Cụ thể, UBND thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý và tổ chức thực hiện XDNTM cho đội ngũ cán bộ cơ sở, từ cấp Bí thư Chi bộ, trưởng, phó thôn trở lên…

Một trong những nhiệm vụ lớn mà thành phố đang tập trung thực hiện là huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để phục vụ đầu tư XDNTM. Theo đó, ngân sách Nhà nước cấp hàng năm được thành phố dành tối thiểu 35% để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp từ 6 - 8%, trọng tâm là đầu tư, hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, công trình y tế, giáo dục, nước sạch nông thôn, xử lý môi trường các làng nghề chế biến nông - lâm sản bị ô nhiễm nặng…

Bên cạnh đó, thành phố cũng dành nguồn vốn không nhỏ để khuyến khích các DN, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa ở khu vực nông thôn, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, phát triển các làng nghề, cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Ngoài việc tập trung khai thác nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi còn thường xuyên vận động, hướng dẫn các gia đình tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng đường ngõ, thôn, xóm và các công trình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh cũng như giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là chúng tôi khuyến khích các địa phương đa dạng hóa hình thức đóng góp, không chỉ là bằng tiền, bằng ngày công lao động mà có thể đóng góp vật tư, tài sản, bằng tinh thần hăng hái chia sẻ, giúp đỡ nhau… Những điều đó sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết để công cuộc XDNTM sớm đi đến thành công”.

Từng bước nâng cao đời sống nhân dân

Theo ông Cương, việc nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng nhất trong XDNTM, vì vậy Hà Nội đề ra 4 biện pháp cụ thể nhằm cải thiện đời sống nông dân.

Một là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng nhanh năng suất, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp của thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học tập trung đầu tư nghiên cứu, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để bà con ứng dụng vào sản xuất nhằm tạo ra các loại sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời cải tiến phương pháp bảo quản, chế biến để tăng thêm giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 6-8%/năm.

Hai là, phát triển và mở rộng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đến năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với diện tích 726ha, phát triển làng nghề đạt con số 1.500 làng, trong đó có 525 làng nghề truyền thống được công nhận để thu hút tối thiểu 50% lao động nông thôn vào làm việc.

Ba là, phát triển hệ thống dịch vụ để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp bằng cách thành phố đầu tư, nâng cấp chợ nông thôn, hỗ trợ xây dựng các trung tâm thương mại cấp huyện, xã để thu hút nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, vận động, tuyên truyền và hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã dịch vụ về vận tải, xây dựng, tín dụng… để vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; tạo điều kiện và hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng hạ tầng và các cơ sở dịch vụ về thông tin, văn hóa, y tế, giáo dục nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ tại nông thôn từ 10%/năm trở lên.

Bốn là, thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách; tăng đầu tư đối với công tác dạy nghề cho nông dân gắn với phát triển sản xuất hàng hóa để tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho bà con, phấn đấu đạt tăng trưởng khu vực nông thôn bình quân 7-8%/năm.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững; đặc biệt quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn…

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho nông dân, đặc biệt là chú ý đầu tư các công trình vui chơi lành mạnh cho trẻ em, các khu tập luyện thể dục thể thao cho nông dân, nhất là người cao tuổi. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng làng, khu phố, cơ quan văn hóa, hạn chế tiêu cực phát sinh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…

Trâm Anh
Nguồn:kinhkenongthon.com.vn