Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Hà Nội hiện có 4 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Sau đạt chuẩn, các địa phương đã tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững, hướng đến mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Duy trì, nâng cao chất lượng

Sau khi được công nhận huyện nông thôn mới, các huyện nói trên đều có kế hoạch duy trì thành quả bền chắc, như: Bố trí nguồn vốn cho các công trình hạ tầng, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo... 
 

 

Người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) chăm sóc đường hoa. Ảnh: Bá Hoạt

Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp cho biết, năm 2017, khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở từng xã, theo hướng bền vững, phù hợp với tiêu chí phát triển thành quận. Cụ thể, đến năm 2020, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện bảo đảm kết nối tới các xã, khớp nối hạ tầng với khu đô thị và địa phương liền kề như các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 3,5, đường phân khu đô thị, đường trục huyện... Ngoài ra, 100% số trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành xây dựng mới Trường THPT Hoài Đức C và có thêm 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia; hơn 50% số xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao; 100% số thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn... 

Tại huyện Thanh Trì, thành tựu trong xây dựng nông thôn mới đã tạo đà để địa phương hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu trở thành quận theo lộ trình vào năm 2020. Trong khi đó, tại huyện Đông Anh, sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2016, huyện tiếp tục tập trung triển khai hoàn thiện các tiêu chí. Từ năm 2016 đến tháng 3-2018, toàn huyện đã huy động được 1.377 tỷ đồng thực hiện 49 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân.

Riêng với Đan Phượng, địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô (năm 2014), đến nay vẫn tiếp tục phát huy vị trí đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với những tiêu chí cụ thể, như: Phát triển sản xuất, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, năm 2018, huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung để tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện.

Chú trọng nâng cao đời sống nhân dân

Bên cạnh duy trì các tiêu chí nông thôn mới, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân được xem là giải pháp cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng thương hiệu cho nông sản; đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động. Tại huyện Đan Phượng đã có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Hỗ trợ tích tụ ruộng đất, xây dựng hạ tầng; quy hoạch mở rộng điểm sản xuất của 2 làng nghề (xã Liên Hà và Liên Trung). Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, trong năm 2018, huyện tiếp tục tập trung hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1%.

Huyện Đông Anh đã xây dựng một số đề án như: Ứng dụng cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển nghề trồng nấm rơm; Xây dựng thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” thực hiện tại 6 xã… Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 14 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và 8 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2017, huyện cũng đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh và rau màu đạt hơn 100ha… Với Thanh Trì, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện tiếp tục vận động nhân dân duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, thực hiện vệ sinh khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp.

Dù đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nhưng Hoài Đức vẫn có kế hoạch vốn để duy trì và nâng chất lượng các tiêu chí. Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Hoài Đức sẽ huy động 2.015 tỷ đồng để đầu tư, trong đó vốn ngân sách gần 1.612 tỷ đồng, chiếm 80%. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp cho biết, huyện khuyến khích mọi thành phần kinh tế góp vốn đầu tư dưới hình thức liên doanh, liên kết cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, dù đã có nhiều thành tích song những khó khăn, thách thức vẫn còn. Thực tế, 4 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới đều ở ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh nên đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; sớm hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp thực tế, tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt theo hướng bền vững; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Theo Hà Nội Mới