Hà Tĩnh cần hướng đào tạo nghề theo yêu cầu cụ thể
- Thứ năm - 03/05/2012 10:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong 2 ngày 2 và 3/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri, nhằm thu thập ý kiến nguyện vọng của cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới. Chủ đề chính cuộc tiếp xúc lần này là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Tại các cuộc tiếp xúc được tổ chức ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ và Trường cao đẳng nghề đóng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lắng nghe ý kiến của đại diện hàng trăm cử tri, là cán bộ quản lý ngành giáo dục và các thầy cô giáo về lĩnh vực giáo dục ở bậc phổ thông và giáo dục dạy nghề.
Những tiếng nói tâm huyết và thẳng thắn của đội ngũ nhà giáo tại đây đều bày tỏ sự trăn trở về những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề dặt ra cần giải quyết ở cấp vĩ mô, để thực hiện được mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà, nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Cử tri Nguyễn Viết Niệm, Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Đức Thọ cho rằng, Đảng ta xác định rõ sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng để chủ trương đó đi vào thực tiễn thì cần phải đổi mới quản lý giáo dục và đi kèm là thực hiện một loạt giải pháp và chính sách phù hợp.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm xưởng thực hành cơ khí của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh (Ảnh: TTXVN) |
Cử tri nêu một thực tế: Công tác đào tạo nghề hiện nay nói chung chất lượng còn yếu, trước hết là do chính sách đào tạo nghề còn những hạn chế, tồn tại; bởi vậy đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo nghề; bổ sung kinh phí phù hợp để đảm bảo đủ điều kiện vật chất cho các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tiếp tục chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho nhà trường; Nhà nước cũng cần có chính sách cho đầu tư hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để phát triển mạng lưới đào tạo nghề để đào đạo đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong tương lai.
Ông Nguyễn Đắc Hòa, Trường cao đẳng nghề Công đoàn Hà Tĩnh kiến nghị: Có các yếu tố để cho công tác đào tạo nghề thành công là: cơ sở vật chất, trong đó có thiết bị dạy nghề, máy móc trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên - hiện nay đông nhưng tay nghề của giáo viên chưa đáp ứng được. Vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị là tăng kinh phí chương trình mục tiêu hàng năm cho cơ sở đào tạo nghề cả nước, đặc biệt cho Hà Tĩnh. Bởi vì ở những vùng công nghiệp đang rất cần tuyển dụng lao động có kỹ thuật”.
Phát biểu với các cử tri ngành giáo dục Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Công tác giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là quốc sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước. Sau nhiều năm đổi mới, đất nước đang hướng tới giai đoạn phát triển mạnh, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực và tích cực xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, giáo dục, đào tạo là giải pháp mang tính quyết định.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng vì thành tích đứng trong tốp đầu cả nước về thành tích giáo dục phổ thông của Hà Tĩnh, trong điều kiện là địa phương nghèo, còn nhiều khó khăn. Đồng thời, hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các cử tri, các thầy cô giáo về những bất cập, hạn chế trong dạy và học.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, đất nước đang cần một nhu cầu rất lớn về việc thu hút nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trách nhiệm đặt ra đối với ngành giáo dục cả nước là hết sức quan trọng nhưng cũng đầy vinh quang, đào tạo những thế hệ lao động đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương đang định hướng phát triển mạnh về công nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cũng là nơi đang có một nhu cầu lớn về lao động mọi ngành nghề. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh cần hướng đến những yêu cầu cụ thể, đặc biệt là việc đào tạo lao động phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng và việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của đông đảo cử tri Hà Tĩnh và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục tổng hợp, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp, đánh giá riêng về lĩnh vực đào tạo nghề, từ đó đặt ra các giải pháp, thực hiện bằng được mục tiêu đặt ra.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần lưu ý mở rộng mô hình đào tạo, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, chương trình, tránh tình trạng đào tạo công nghệ cũ, lạc hậu, ra trường, đi làm công nghệ mới, tiên tiến. Việc đầu tư dạy nghề cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, mô hình đào tạo theo hướng tự chủ, năng động, tránh dàn trải, cào bằng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục thu thập kiến nghị, đề xuất của cử tri, tổng hợp thêm nhiều ý kiến góp phần vào việc sửa đổi mạnh mẽ pháp luật về giáo dục một cách toàn diện, đầy đủ hơn trên cả các phương diện: Dạy chữ, dạy lễ, dạy người./.