Hà Tĩnh "nâng đầu, đỡ cuối..."

Hà Tĩnh "nâng đầu, đỡ cuối..."
Sau 4 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có 26 xã đạt chuẩn NTM nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thực hiện xây dựng NTM.

Kết quả đạt được xuất phát từ chủ trương, định hướng và giải pháp đề ra đúng đắn trong từng giai đoạn cụ thể. Năm 2015, Hà Tĩnh tập trung cao xây dựng NTM với phương châm “Nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển” được cụ thể hóa bằng “2 giảm, 3 tăng”.

PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Oánh (ảnh), Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh, về thực hiện “2 giảm, 3 tăng” trong xây dựng NTM.
 
Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh


Từ đâu mà Hà Tĩnh có chủ trương "2 giảm, 3 tăng" trong xây dựng NTM thưa ông?

Chủ trương "2 giảm, 3 tăng" trong xây dựng NTM là từ ý tưởng của ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh (nay là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - PV). "2 giảm", đó là giảm xã dưới 7 tiêu chí và giảm hộ nghèo; "3 tăng", đó là tăng xã đạt chuẩn, tăng DN và tăng mô hình điển hình (trong SX và các lĩnh vực khác).

Về xã dưới 7 tiêu chí hiện nay còn 37 xã; trước khi bước vào thực hiện chương trình là 163 xã, riêng năm 2014 giảm được 52 xã; phấn đấu cuối năm nay không còn xã dưới 7 tiêu chí.

Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh đến cuối năm 2014 là 7,42%, trong khu vực nông thôn là 7,92%, phấn đấu giảm từ 1,5 đến 2%/năm. Số xã đạt chuẩn NTM từ không có xã nào, năm 2013 có 7 xã và năm 2014 có thêm 19 xã đạt chuẩn và năm 2015 phấn đấu có thêm ít nhất 23 xã đạt chuẩn NTM.

Số DN có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đóng trên địa bàn nông thôn từ chỗ chỉ có dăm ba DN (chủ yếu cung ứng giống cây trồng, vật tư phân bón), đến nay có 1.527 DN. Phấn đấu tăng thêm trong năm 2015 là 300 DN, đảm bảo tất cả các xã có DN, để xã đạt chuẩn phải có ít nhất 3-5 DN.

Số mô hình SX có doanh thu trên 100 triệu đồng có hiệu quả từ chưa được 300 mô hình, hiện nay lên đến con số 5.556 mô hình. Ngoài mô hình SX có 412 Khu dân cư NTM kiểu mẫu, 295 vườn mẫu được triển khai xây dựng và 38 mô hình điển hình theo các tiêu chí.

Phải chăng đây là giải pháp để cụ thể hóa phương châm "Nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển"?

Đề ra chủ trương này để Chương trình xây dựng NTM đạt được cả chiều sâu và chiều rộng. Cũng chính là thực hiện đúng định hướng, phương châm "Nâng đầu, đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ và phát triển".

Thực hiện chủ trương này là giải quyết được "nút" của vấn đề trong xây dựng NTM, vừa đảm bảo được cả sự tăng trưởng, vừa đảm bảo cả sự phát triển và hàm chứa tính nhân văn cao.

Hà Tĩnh được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM Được biết con số 37 xã dưới 7 tiêu chí ở Hà Tĩnh có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây là nguyên nhân khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế.

Phải chăng giải quyết tiêu chí hộ nghèo sẽ là điều kiện xóa các xã dưới 7 tiêu chí?

Không hẳn hoàn toàn như vậy, nhưng về chiều sâu của vấn đề thì chứa đựng điều đó. Bởi vì để giảm nghèo, thoát nghèo thì con đường cơ bản, bền vững nhất đó chính là phát triển kinh tế ngay từ chính các hộ nghèo và địa phương có người nghèo.

Phát triển kinh tế thì sẽ tạo ra nguồn lực và có điều kiện thực hiện các tiêu chí khác và sẽ có điều kiện vươn lên thoát khỏi nhóm xã dưới 7 tiêu chí, trở thành xã khá rồi tiến dần lên đạt chuẩn 19 tiêu chí một cách bền vững hơn.

 

Hà Tĩnh được đánh giá là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM
 
Được biết, năm 2015, Hà Tĩnh đề ra mục tiêu 100% số xã có DN, HTX, THT; 100% số xã có các mô hình SX đủ 3 loại quy mô hình lớn, vừa, nhỏ; mỗi xã đạt chuẩn NTM phải có tối thiểu 3-5 DN, 5-7 HTX, 3 mô hình lớn, 5 mô hình vừa; giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?
 
Để đạt được mục tiêu này Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã đề ra một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cao: Đào tạo, tập huấn kiến thức khởi tạo, nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho các đối tượng, loại hình tổ chức SX kinh doanh; có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức này và xây dựng các mô hình mẫu (mô hình theo tiêu chí mà sở, ngành thực hiện) để nhân rộng;

Tạo điều kiện tối đa cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhất là giống cây, con chất lượng cao, liên kết chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản; tổ chức thực hiện tốt nhất Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Xin cảm ơn ông! 
ANH BÌNH
Theo nongnghiep.vn