Hòa Bình: Nông thôn mới khởi sắc
- Chủ nhật - 14/01/2018 02:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hệ thống đường GTNT xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) được xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân.
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, mỗi địa phương có cách làm hay và sáng tạo khác nhau. Xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) là xã về đích NTM năm 2017. Để đạt chuẩn tiêu chí giao thông, từ nhiều năm nay, xã thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất. Điển hình như con đường nội đồng tại xứ Đồng Vòng với tổng chiều dài 220 m, mặt đường rộng 4 m, tổng kinh phí thực hiện 374, 4 triệu đồng. Trong đó quỹ phát triển xã hỗ trợ 250 triệu đồng, nhân dân đóng góp
124, 4 triệu đồng. Công trình này có 16 hộ gia đình trên tuyến đường đóng góp tiền mặt và hiến đất thổ cư, đất ruộng diện tích 1.386 m2, hiến đất đồi 2.664 m3.
Hay để thực hiện được tiêu chí cuối cùng về cơ sở vật chất văn hoá, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng nhà văn hoá xã, Dân Hòa đã tổ chức hội nghị kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đóng góp. ông Đinh Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Dân Hoà cho rằng: "Việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nhiệm vụ của người dân, vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng NTM là việc làm quan trọng nhất. Khi dân thông, dân hiểu, việc thực hiện các tiêu chí cũng dễ dàng hơn. Người dân sẵn sàng tham gia hiến đất, làm đường, xây dựng nhà văn hoá, tích cực tham gia lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”...
Qua 7 năm (2011-2017) triển khai Chương trình "Chung sức xây dựng NTM”, kết quả đạt được đáng khích lệ. Toàn tỉnh có 50 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 26,2% tổng số xã. Đến hết năm 2017, thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân đạt gần 40 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn trên 20%. Năm 2017, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt trên 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư khoảng 60 tỷ đồng. Nhiều người dân tại các địa phương hiến tặng hàng chục nghìn m2 đất cùng nhiều công trình hạ tầng, cây cối lâu năm có giá trị để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết: Mặc dù khi mới triển khai, hầu hết các xã đều gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí đạt thấp nhưng sau gần 7 năm thực hiện Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, phát huy vai trò chủ thể của người dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương điển hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Chính quyền địa phương đã làm tốt vai trò cầu nối giúp người nông dân tiếp cận thị trường, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư khi tham gia thực hiện Chương trình. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều lúng túng trong cách làm và huy động các nguồn lực tham gia dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí tại nhiều địa phương đạt thấp.
Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến năm 2020, tỉnh ta đặt mục tiêu 40% xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng NTM là TP Hòa Bình hoàn thành vào năm 2018; huyện Lương Sơn hoàn thành vào năm 2019; huyện Lạc Thuỷ hoàn thành vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu số xã đạt chuẩn xây dựng NTM vào năm 2020 đòi hỏi sự quyết tâm cao của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ các nguồn lực của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của người dân - chủ thể trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Giải pháp chính là tiếp tục tăng cường vận động xã hội một cách sâu rộng về xây dựng NTM. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao bộ máy tổ chức Văn phòng điều phối cấp tỉnh và chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đến năm 2020 đạt từ 40 - 45 triệu đồng /người/ năm. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách từng bước hoàn thiện; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời nâng chất lượng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Theo Báo Hòa Bình