Hợp đồng mập mờ, người nuôi giun lỗ nặng

Sau một thời gian ký hợp đồng nuôi giun cao sản, nhiều hộ nông dân ở huyện Can Lộc mới tá hỏa vì càng nuôi càng lỗ do phải bỏ ra khoản tiền lớn mua thuốc nuôi giun, trong khi đó những loại thuốc này không ghi rõ thành phần, nơi sản xuất và nhãn mác mập mờ.

 

Báo NTNN đã có bài phản ánh việc thời gian qua rất nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đi thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng để vay hàng trăm triệu đồng rồi ký hợp đồng chuyển giao công nghệ nuôi giun cao sản với Công ty cổ phần Thương mại, du lịch Hùng Vương (trụ sở tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội). Tuy nhiên sau khi đầu tư nuôi chẳng thấy lợi nhuận đâu, chỉ thấy các gia đình oằn lưng gánh nợ vì tiền giống và tiền chế phẩm (thuốc để nuôi giun) giá cao ngất ngưởng.

Giá chế phẩm cao ngất ngưởng khiến trang trại giun của anh Phương điêu đứng.

Theo hợp đồng của công ty này ký với các hộ dân, khi được chuyển giao công nghệ các hộ nuôi được cung cấp vật tư đầy đủ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, còn đầu ra công ty chịu trách nhiệm thu mua. Vì vậy các hộ phải cam kết tuân thủ dùng 100% chế phẩm được công ty cung cấp.

Anh Lê Phương ở xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Năm 2011, tôi đã vay vốn ở ngân hàng về mua 200kg giun giống, thuốc chế phẩm hết 127 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi được 300kg giun thương phẩm, tôi bán được 40 triệu đồng trong khi đó tiền chế phẩm phải trả cho công ty lên tới 19 triệu đồng, cộng với tiền mua phân làm thức ăn cho giun và trả lãi ngân hàng, trang trại tôi đã bị lỗ”.

Theo anh Phương, sau khi tham gia mô hình, nhiều hộ nuôi mới hoảng hồn trước khoản tiền lớn phải bỏ ra để mua thuốc của công ty bán độc quyền trong quá trình nuôi giun. Có tới 7 loại thuốc: “Xử lý thức ăn”, “tăng trưởng”, “bổ sung dinh dưỡng”, “giải độc”, “an thần”, “ngâm dạ cỏ”, “côn trùng” và “chống bò”.

Trung bình sau mỗi lứa thu hoạch, người nuôi giun mất gần một nửa số tiền thu được cho những chế phẩm này. Tuy nhiên, những loại chế phẩm Công ty Hùng Vương bán cho các hộ nuôi không có thành phần rõ ràng, thậm chí một số thuốc được đóng chai cẩn thận nhưng không có nhãn mác, hạn sử dụng và nơi sản xuất.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Về mặt pháp lý thì thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật đều phải có xuất xứ nơi sản xuất và thành phần rõ ràng, tên thuốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng và phải có giấy phép lưu hành. Kể cả các loại thuốc chỉ lưu hành cho các hộ dân sử dụng theo hợp đồng thì cũng phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cho phép chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vì vậy những loại thuốc không có nhãn mác, thành phần như vậy là vi phạm rồi và sai hoàn toàn.

Theo danviet.vn