Hưng Yên phát huy nguồn nội lực xây dựng nông thôn mới

Hưng Yên phát huy nguồn nội lực xây dựng nông thôn mới
Nhãn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho nông dân ở Hưng Yên. Tính đến thời điểm hiện tại, sau ba năm (2011 - 2013) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bộ mặt nông thôn đang ngày một khởi sắc. Hưng Yên phấn đấu đến năm 2015 xây dựng 25% số xã đạt tiêu chuẩn NTM.

Nhãn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu cho nông dân ở Hưng Yên.
 

Đồng lòng xây dựng NTM Nằm ở vùng tam giác sông Hồng nên Hưng Yên không chỉ được biết đến là vùng đất giao thương nổi tiếng "thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" mà còn được nhắc đến với niềm tự hào là cái nôi của nhãn lồng, cam canh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Trong thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 định hướng 2030. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hưng Yên, đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã đạt bình quân 9,3 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí/xã so với năm 2012. Trong đó có hai xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và hơn 100 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí.

Nhiều địa phương cũng đang tích cực để có thể cán đích sớm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới như các xã: Tân Quang (huyện Văn Lâm), Mễ Sở (huyện Văn Giang), Nhật Tân (huyện Tiên Lữ), Bình Minh (huyện Khoái Châu)...

Đi đầu trong những huyện có xã điểm trong xây dựng NTM, phải kể đến huyện Ân Thi. Năm 2013, toàn huyện đã có 16 xã, thị trấn được phê duyệt và nhận hỗ trợ kinh phí làm đường nông thôn. 19 xã, thị trấn được hỗ trợ đường bê-tông với tổng chiều dài 44.614 m, khối lượng xi-măng hỗ trợ đạt hơn 8.298 tấn, trong đó đường thôn là 15.301 m, đường xóm 19.313 m. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng từ 10,5 đến 11%, đạt giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,2%, giá trị thu nhập bình quân đầu người lên đến 32 triệu đồng/năm. Nói về sự thành công của huyện Ân Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thành Lâm khẳng định: Mô hình giám sát cộng đồng trong xây dựng NTM có vai trò đặc biệt quan trọng.

Thông qua hoạt động giám sát cộng đồng, đã phát hiện và kịp thời sửa chữa những thiếu sót trong quá trình lập thủ tục và thi công công trình, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí và thất thoát tài sản của Nhà nước.

Xây dựng NTM không chỉ thành công ở huyện Ân Thi mà người dân trong xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cũng đang dần cán đích NTM khi chính quyền địa phương đã thành công trong vận động nhân dân phát triển sản xuất cho thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm.

Riêng tại thôn Lỗ Xá, xã Hòa Nhân, người dân còn tự nguyện đóng góp gần hai tỷ đồng để bê-tông hóa đường liên thôn và sửa chữa nâng cấp đường điện chiếu sáng.

Thành công từ phát huy nguồn nội lực Chia sẻ bí quyết đem lại những thành công bước đầu trong xây dựng NTM, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Đoàn Thị Chải khẳng định: Tỉnh Hưng Yên đã nhận được sự đồng lòng của người dân thông qua mô hình giám sát cộng đồng rất hiệu quả. Hiện toàn tỉnh đã có 160/161 xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân với tổng số 1.255 thành viên. Ban giám sát này đã thật sự trở thành tai mắt của dân giúp dân biết, dân bàn, dân kiểm tra trong xây dựng NTM.

Để phong trào xây dựng NTM hiệu quả, chất lượng, tỉnh đã phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Khu dân cư ba không", "Quân đội chung sức xây dựng NTM".

Điển hình trong phong trào Quân đội chung sức xây dựng NTM đã nhận được sự hưởng ứng của 100% số đơn vị tham gia, đóng góp 4.500 ngày công và ủng hộ hơn 800 triệu đồng cho việc sửa chữa, tu sửa trường mầm non, xây nhà tình nghĩa, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Không chỉ có lực lượng vũ trang tham gia cùng người dân xây dựng NTM, mà Hội Phụ nữ cũng hỗ trợ 17.789 hội viên vay tổng số vốn 52,8 tỷ đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất, Hội Nông dân nhận ủy thác và hỗ trợ cho gần 35 nghìn hội viên vay hơn 942 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, phối hợp các công ty giúp nông dân mua trả chậm bình quân mỗi năm khoảng 6.500 tấn phân bón.

Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã mạnh dạn tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế thông qua phát triển các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất nhằm gia tăng giá trị trên một đơn vị sản xuất cho người nông dân.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM các địa phương đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu, tin và làm theo bằng nhiều hình thức trên hệ thống truyền thanh, trong các cuộc họp từ xã đến các hội, đoàn thể, các thôn... Chính vì vậy, nhận thức của cán bộ và người dân đã được nâng cao. Kết quả, người dân đã tự nguyện hiến hơn 340 nghìn m 2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn. Đi đầu trong phong trào hiến đất là gia đình bà Trần Thị Hằng ở đội 7, thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào.

Gia đình đã đồng ý phá bỏ tổ hợp công trình nhà tắm, nhà vệ sinh mới xây kiên cố có chiều dài 10 m, chiều ngang 4 m, một bể nước mưa, một bể nước lọc giếng khoan, cổng, tường rào với tổng trị giá lên đến gần 100 triệu đồng cùng 30,2 m 2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Biết hy sinh cái riêng, vì lợi ích chung của cộng đồng chính là sức mạnh có được từ phong trào xây dựng NTM.

Sự đoàn kết, đồng lòng đã thật sự tạo nên những chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông thôn tỉnh Hưng Yên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thị sát tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nhận rõ những khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), kịp thời sửa chữa, khắc phục, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để từ đó tạo nên sức mạnh tập thể góp phần tạo ra thắng lợi trong xây dựng NTM và phát huy thành quả xây dựng NTM lên tầm cao hơn. Đây mới là cái đích mà Hưng Yên hướng tới.

Sơn Hà
Nguồn nhandan.org.vn