Huy động cộng đồng trong xây dựng NTM
- Thứ năm - 12/12/2013 09:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những mô hình đột phá
Xã Vĩnh Thành nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), là xã khó khăn do hậu quả của hai cuộc chiến tranh để lại. Vì thế, việc đổi mới SX, phát triển KT-XH luôn được chính quyền và nhân dân nơi đây đặt lên hàng đâu.
Ngay từ năm 2001, được sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc, xã Vĩnh Thành bắt đầu triển khai dự án xây dựng Mô hình làng mới Saemaul Undong ở thôn Hiền Lương. Sau 2 năm, dự án đã tác động một cách thiết thực đến việc cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Từ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi, họ không còn tư tưởng trông chờ vào Nhà nước mà có ý thức tự lực tực cường hơn.
Nhiều địa phương đã thành công trong việc huy động cộng đồng tham gia xây dựng NTM
Ngoài ra, nhiều công trình phúc lợi như trường mầm non, nhà văn hóa được hỗ trợ xây dựng, các mô hình khuyến nông được áp dụng đã tạo thuận lợi cho nông dân mạnh dạn đổi mới phương thức SX, tăng năng suất cây trồng.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Lê Minh Dục nhận xét, một trong những giá trị cơ bản của Mô hình làng mới Saemaul Undong tại Vĩnh Thành là phát huy được tinh thần làm chủ của người dân, họ được tham gia trực tiếp và quá trình xây dựng NTM của xã. Nhờ đó, trong 3 năm, từ 2010 đến 2013, xã đã huy động được 1,9 tỷ đồng đóng góp từ nhân dân, đây là con số không nhỏ trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
“Nếu như năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của chúng tôi còn đến 45%, thì đến nay đã giảm còn 5,4%. Lực lượng lao động được chuyển đổi hơn 37% sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tổng thu nhập xã hội toàn xã năm 2013 đạt 76 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 19,1 triệu đồng/năm”, ông Dục thống kê.
Còn ở Thanh Văn, một xã thuộc huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chỉ có 15 km, lại có cách làm khác. Ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã, cho rằng, những năm gần đây, Thanh Văn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát triển kinh tế, xây dựng NTM, đưa xã thoát khỏi đói ngèo và lạc hậu.
Những nét nổi bật của Thanh Văn là những bước đi mang tính đột phá, có tính chất quyết định, đó là xây dựng hệ thống điện nông thôn từ năm 1989, công tác xóa đói giảm nghèo và dồn điền đổi thửa (DĐĐT), phát triển kinh tế trang trại. Ngoài ra, xã còn thành lập và phát triển Quỹ bảo hiểm phúc lợi cho nông dân, xây dựng hạ tầng nông thôn và từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động.
Sức dân là vô tận
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến cho rằng, người dân phải là chủ thể trong xây dựng NTM. Các công trình phúc lợi, lựa chọn phương thức SX… phải do dân từ bàn, tự quyết định. “Nguồn lực trong dân là vô cùng to lớn nếu biết cách huy động”, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD khẳng định.
Để minh chứng, ông Sơn cho biết, không những các mô hình của Vĩnh Thành là ít nhiều được hỗ trợ từ các dự án, ở Thanh Văn thì có lợi thế về mặt địa lý, mà còn có các mô hình như xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vươn lên từ nội lực.
“Trong 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Tùng Ảnh đã huy động nhân dân đóng góp được gần 92 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến hơn 23 nghìn m2 đất, 1,5 nghìn m hàng rào, hàng chục nghìn cây có giá trị kinh tế cao cũng như hàng nghìn ngày công lao động đóng góp vào Chương trình xây dựng NTM”, ông Sơn phân tích.
Để huy động được sức mạnh vô tận từ dân, hội thảo đã chỉ ra nhiều bài học, đó là trong quá trình thực hiện, cần công khai, minh bạch trước dân, đồng thời tạo sự đoàn kết, thống nhất từ chính quyền đến người dân. Ngoài ra, gắn công tác tuyên truyền với chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua, kịp thời tuyên dương các điển hình tiên tiến, thúc đẩy sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
“Một vấn đề quan trọng nữa là chính quyền các cấp phải thực sự vào cuộc một cách tích cực, lãnh đạo cơ sở phải tâm huyết, công khai, minh bạch thì mới làm tấm gương cho nhân dân noi theo”, ông Đặng Kim Sơn |
Nguồn nongnghiep.vn