Huy động nguồn lực toàn xã hội

Sau 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, diện tích trồng lúa tại các xã xây dựng nông thôn mới tại TP Hồ Chí Minh được thu hẹp, chuyển sang trồng hoa màu, lợi nhuận tăng lên nhiều lần. Các mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi bò sữa, làng nghề truyề

Sau 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, diện tích trồng lúa tại các xã xây dựng nông thôn mới tại TP Hồ Chí Minh được thu hẹp, chuyển sang trồng hoa màu, lợi nhuận tăng lên nhiều lần. Các mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi bò sữa, làng nghề truyề

Với những xã có thế mạnh về đất đai, kinh tế, nghề truyền thống, thuận tiện đường giao thông hoặc được Nhà nước đầu tư, việc xây dựng Nông thôn mới (NTM) tương đối thuận lợi. Nhưng để triển khai phong trào xây dựng NTM ra đại trà hàng chục nghìn xã trên cả nước, nhất là các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa thì không hề đơn giản. Vấn đề mấu chốt là thiếu vốn đầu tư. Giải pháp cơ bản nhất vẫn là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội...


>>Bài 1: Những mô hình hay, cách làm hiệu quả
Huy động doanh nghiệp tham gia

Tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là có phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả, nhưng nông nghiệp phát triển lại không ổn định, do chịu tác động từ đô thị hóa và công nghiệp hóa. Hiện 50% số dân tỉnh Quảng Ninh sống ở nông thôn, miền núi, hải đảo, cho nên kinh phí đầu tư cho khu vực nông thôn tương đối lớn. Nhận thức rõ những khó khăn nội tại, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng NTM trở thành phong trào có sự thay đổi về chất. Năm 2013, Quảng Ninh đã phát động năm chương trình: "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Thành thị giúp đỡ nông thôn", "Công nông liên minh xây dựng nông thôn mới", "Nông dân tự lực sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới" "Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới". Ðến nay, 125/125 xã đã có đường ô-tô đến trung tâm xã; đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi nội đồng cơ bản được hoàn thiện, đưa tỷ lệ tưới chủ động đạt 89,06% tổng số diện tích gieo trồng. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện năm 2013 đạt 98,8%, tăng 4,5% so với năm 2010. Hệ thống trường học đạt chuẩn từ 78 trường năm 2010 tăng lên 192 trường năm 2013, chiếm tỷ lệ 49,23% tổng số trường trên địa bàn nông thôn, 364/994 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn, 15 chợ được xây dựng theo quy hoạch đạt chuẩn. Ðồng thời, 91% số dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nâng 8% so với năm 2010. Tại Quảng Ninh, hiện có nhiều doanh nghiệp đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Việt Long, Công ty Dung Huy, Hợp Tiến, Long Hải, Tùng Thắng... Tiêu biểu là mô hình của Công ty Du thuyền Ðông Dương đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình và sản phẩm du lịch làng quê dành cho khách du lịch châu Âu, bước đầu có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở xã Yên Ðức (Ðông Triều). Ðể NTM phát triển bền vững, Quảng Ninh chú trọng chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ công chức xã. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 99 xã đã đạt chuẩn về cán bộ, công chức xã, tăng 24 xã so với năm 2011, còn 13,09% số cán bộ xã chưa đạt chuẩn; có 108/125 xã (đạt 86,4%) đạt chỉ tiêu đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.

Nguồn lực xây dựng NTM không thể trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách nhà nước, sự góp sức của các doanh nghiệp, mà cần huy động tốt nguồn lực trong nhân dân. Bằng cách làm này, nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã thành công trong xây dựng NTM bằng chính từ nội lực của nhân dân. Sau ba năm xây dựng NTM, xã Tùng ảnh (Ðức Thọ) đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí NTM; các xã khác gồm: Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh), Thạch Châu (Lộc Hà), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Thiên Lộc (Can Lộc), Kỳ Tân (Kỳ Anh) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đang gấp rút, khẩn trương "về đích". Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ðình Sơn khẳng định, việc đánh giá kết quả xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc trung thực, khách quan nhưng cần linh hoạt và không quá cứng nhắc ở các tiêu chí. Trong đó, cùng với chủ trương đúng, chính sách cụ thể, phải biết phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân.

Qua ba năm xây dựng nông thôn mới, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã đạt 10 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Trạm y tế xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI LINH

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Bên cạnh sự đồng thuận cao trong dân, biết phát huy mọi nguồn lực, để công tác xây dựng NTM thật sự đạt được kết quả như mong muốn, rất cần sự chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thủ tục hành chính. Ðồng thời, Nhà nước sớm nghiên cứu, điều chỉnh Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM theo hướng phù hợp với từng vùng, miền (đồng bằng, ven đô, vùng núi, ven biển, hải đảo). Bên cạnh đó, điều chỉnh huyện NTM theo hướng bổ sung các chỉ tiêu về liên kết vùng giữa các xã trong huyện về sản xuất, giao thương cũng như các hạ tầng dùng chung; hướng dẫn quy trình, hồ sơ đánh giá, công nhận xã, huyện, tỉnh đạt tiêu chí NTM; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương có nhiều xã đăng ký về đích đến năm 2015, nhằm khắc phục những hạn chế trong hỗ trợ ngân sách từ trung ương đến địa phương khi chưa căn cứ vào số xã đăng ký về đích đến năm 2015.

Ðể xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng NTM, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bố trí tăng cường các nguồn lực đầu tư. Các địa phương chú trọng công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo; cân đối nguồn lực, lồng ghép chương trình mục tiêu trên địa bàn, ưu tiên bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đặt chỉ tiêu cụ thể thực hiện Chương trình. Các bộ, ngành cần sớm hoàn thành các thủ tục để ban hành các văn bản còn thiếu, nhất là quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM; quy định về lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn xã; hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư đặc thù; hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí, trong đó cần xem xét hướng dẫn mức độ đạt chuẩn của một số tiêu chí NTM (nhà văn hóa, khu thể thao, giao thông...) theo đặc thù của từng vùng, miền để sớm hình thành hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện Chương trình.

Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, trong đó chính người dân là chủ thể. Cùng với cơ chế, chính sách phù hợp là những việc làm sáng tạo, hiệu quả theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, xây dựng NTM đang trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, một phong trào rộng khắp trong cả nước.

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, hiện đã có hơn 80% số xã hoàn thành quy hoạch chung, hơn 53% số xã lập xong đề án xây dựng NTM. Theo báo cáo chưa đầy đủ, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của khu vực này đã đạt hơn 92 nghìn tỷ đồng, trong đó 65% là vốn ngân sách, 31% là vốn tín dụng và doanh nghiệp, còn lại khoảng 3,8% là vốn do nhân dân đóng góp. Tính đến tháng 9-2013, bình quân các xã khu vực miền núi phía bắc đã đạt 6,3 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2010. Mười xã đạt 19 tiêu chí, bằng 0,75% so với cả nước.

----------------------

* Xem Báo Nhân Dân số ra từ ngày 23-12.

BÀI VÀ ẢNH: THÀNH NGỌC SƠN VÀ TUYẾT HẢO
Nguồn nhandan.org.vn