Huyện miền núi Thạch Thành xây dựng nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược hợp lòng dân, có lợi cho dân, Ðảng bộ và nhân dân Thạch Thành (Thanh Hóa) đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả từng bước thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các tuyến đường nông thôn ở Thạch Thành được bê-tông hóa từ nguồn đầu tư của nhân dân.


Lấy quy hoạch làm "trục xoay"

Thạch Thành là huyện miền núi phía bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp với Hòa Bình, có diện tích đất tự nhiên 55.919 ha, trong đó hơn một nửa là đất rừng, núi đá; có 26 xã và hai thị trấn, 230 thôn, bảy bản thuộc vùng sâu, vùng xa. Dân số gần 235 nghìn người, hơn một nửa là dân tộc Mường và một số ít người dân tộc khác. Do đặc điểm địa hình, địa lý kinh tế, tình hình phân bổ dân cư, Thạch Thành nhận thấy muốn xây dựng thành công nông thôn mới, việc trước hết cần phải xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ðược sự đồng ý về cách làm và sự chỉ đạo, giám sát tận tình của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, lại được sự giúp đỡ phối hợp của các cơ quan quản lý và tư vấn, Thạch Thành đã tập trung công sức làm quy hoạch, coi quy hoạch là cái trục xoay quanh các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ quy hoạch mà định hình cơ cấu kinh tế vùng, xã, ở đâu trồng cây gì, nuôi con gì, củng cố và xây dựng cơ sở hạ tầng như phát triển mạng lưới điện, mạng lưới đê điều kênh mương, đường giao thông bộ, đường giao thông thủy..., tất cả đều gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện do đồng chí Bí thư huyện ủy làm trưởng ban, mỗi thành viên trong ban được phân công cắm chân ở từng xã, hay phụ trách một vùng; thường xuyên về với dân, nói để dân hiểu: Xây dựng nông thôn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, là làm cho dân giàu, nước mạnh, quê hương ngày càng tươi đẹp.

Với phương châm ấy, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Trinh cho biết: Ðến nay, huyện Thạch Thành đã quy hoạch xong cơ cấu kinh tế - xã hội, 100% số xã đã xây dựng xong quy hoạch Xã nông thôn mới. Sau khi có quy hoạch, Thạch Thành triển khai đồng loạt công việc dồn điền, đổi thửa. Coi đây là một bước đột phá để toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðất sản xuất nông nghiệp của Thạch Thành có gần 19 nghìn ha trong đó hơn 14 nghìn ha đất lúa. Trước đây, những cánh đồng lúa rải rác, manh mún như tấm áo vá, mỗi hộ có từ 5 đến 6 thửa chen chúc nhau, nay là những xứ đồng, trong đó diện tích thửa cho mỗi hộ từ 5.000 m2 đến 5.500 m2. Ngoài lúa, Thạch Thành còn có đất trồng màu, trồng mía, cây lâu năm như cao-su; đất rừng gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được quy hoạch. Xoay quanh trục quy hoạch đang hình thành những vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng mẫu lớn và sẽ là những vùng nông sản, lâm sản hàng hóa.

Có thể nói, chủ trương xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước đang trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Một khi nhân dân được phát huy quyền làm chủ, được bàn bạc để xây dựng quy hoạch thì họ sẽ tự giác và tự nguyện góp tiền của công sức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, tiến trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, vất vả. Tổng kinh phí dự toán huy động để thực hiện nội dung đồ án theo quy hoạch Xã nông thôn mới từ năm 2012 đến 2020 cho 26 xã cần tới 3.714 tỷ đồng, trong đó phần huy động nội lực chiếm 60%, bình quân mỗi năm huy động 470 tỷ đồng cho 26 xã. Như vậy bình quân mỗi xã cần đóng góp 960 triệu đồng.

Ưu tiên lựa chọn tiêu chí "đòn bẩy"

Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới có đến 19 mục. Muốn thực hiện hoàn chỉnh, đúng chuẩn từng tiêu chí thì phải tính toán lộ trình, tùy năng lực hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương mà quyết định tiêu chí nào thực hiện trước, tiêu chí nào thực hiện sau, không thể nóng vội triển khai cùng một lúc nhiều tiêu chí, trong khi khả năng hỗ trợ tài chính của Nhà nước và khả năng đóng góp của nhân dân còn hạn hẹp. Thạch Thành đã có sự thống nhất cao về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nên đã hướng dẫn các xã lập đồ án thực hiện các tiêu chí, hướng vào những lĩnh vực chính như: sản xuất nông nghiệp, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Ðể rút kinh nghiệm, tỉnh đã chọn xã Thành Long nơi điểm xuất phát thấp, huyện chọn bốn xã có điểm xuất phát trung bình để làm thí điểm việc thực hiện một số tiêu chí, cố gắng đến năm 2015 cả năm xã điểm này đều hoàn thành 19 tiêu chí, còn các xã khác mỗi năm thực hiện một, hai tiêu chí, đến năm 2020 toàn bộ các xã trong huyện đều đạt đủ 19 tiêu chí theo quy định.

Với cách làm bài bản, đến nay bình quân các xã trong huyện đã đạt gần 11 tiêu chí, hơn 10 xã đạt 14 tiêu chí, tuy nhiên cũng còn một số xã mới đạt 6-7 tiêu chí. Trong những tiêu chí thực hiện sớm thì điện đi trước một bước. Với sự giúp đỡ của điện lực Thanh Hóa, điện lực Thạch Thành đã tích cực tiếp nhận xong hệ thống điện nông thôn, xây dựng và quản lý tốt mạng lưới điện trung áp và hạ áp trên toàn huyện với 138 trạm biến áp; 150 km đường dây 35 kV; 70 km đường dây 10 kV, 245 km đường dây 0,4 kV; đã đưa điện lưới quốc gia về 100% số xã, thôn, 100% số hộ dân đã được dùng điện liên tục ổn định.

Về giao thông, được sự giúp đỡ kinh phí của nhà nước, huyện hỗ trợ bằng xi-măng và sự đóng góp của nhân dân, những năm gần đây các tuyến đường trong huyện được sửa chữa nâng cấp, nhiều tuyến đường mới, cầu mới được xây dựng, 100% số xã có đường ô-tô về trung tâm, 90% số đường liên xã được cấp phối hoặc rải nhựa. Hệ thống đường bộ trên địa bàn huyện có tổng chiều dài 654 km, trong đó có đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng. Các xã đã huy động nhân dân đóng góp được 15.836 triệu đồng, trong đó tiền mặt là 12.950 triệu đồng, ngày công quy tiền là hơn 1.274 triệu đồng, dân hiến tặng đất 10.430 m2 để làm đường.

Về đê điều thủy lợi, Thạch Thành có hơn 37 km đường đê sông Bưởi, hơn 9 km đê bao, đã được Nhà nước đầu tư và nhân dân bỏ công sức xây dựng kiên cố, thân đê và mặt đê được kè lát bê-tông ở những điểm xung yếu. Hệ thống thủy lợi được củng cố làm mới với 29 trạm bơm điện, 65 hồ đập, trong đó có sáu hồ dung tích từ 1,6 triệu m3 đến 1,8 triệu m3, có hệ thống kênh mương dài hơn 767 km.

Nhớ lại nạn "hồng thủy" năm 2007, đê sông Bưởi vỡ, huyện Thạch Thành ngập trong nước lũ sâu 9 m. Những tưởng huyện này khó mà thoát cảnh đói nghèo kéo dài, nhưng chỉ mấy năm sau, nhất là từ năm 2011, khi luồng gió xây dựng nông thôn mới thổi tới đã giúp Thạch Thành chuyển mình vượt qua những khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 16,6% năm 2012; thu nhập bình quân đầu người 18,7 triệu đồng. Huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát, từ 37% hộ nghèo trước đây, phấn đấu rút tỷ lệ hộ nghèo xuống 13% ngay trong năm 2013 này.

Ðối với vùng đồng bằng, việc thực hiện đầy đủ bộ tiêu chí Xây dựng nông thôn mới đâu phải ít khó khăn. Với những huyện miền núi chắc hẳn khó khăn còn lớn hơn, nhiều hơn. Vậy mà Thạch Thành đã trở thành một điểm sáng lan tỏa không chỉ trên miền núi, còn được xếp vào "tốp 4" dẫn đầu 24 huyện trong tỉnh Thanh Hóa trong phong trào Xây dựng nông thôn mới.

Những gì Ðảng bộ và nhân dân Thạch Thành đã làm được là hiện thực sinh động, minh chứng cho lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước; là niềm tự hào phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân trên mảnh đất nơi có hang Con Moong (Thạch Yên) còn dấu tích người Việt cổ, nơi có chiến khu Ngọc Trạo, nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Phạm Thanh
Nguồn nhandan.org.vn