Khẩn trương giải quyết khó khăn của sản xuất tôm, cá tra

Khẩn trương giải quyết khó khăn của sản xuất tôm, cá tra
Người nuôi tôm và cá tra đang bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do dịch bệnh và giá cả xuống thấp. Vấn đề bây giờ là cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh ở tôm và giải cứu ngành hàng cá tra. Nhiệm vụ này đã được đặt ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Tổng Cục Thủy sản. Hội nghị được tổ chức sáng nay, ngày 2.7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.
 
                                           

Gần 40.000ha nuôi tôm bị thiệt hại
Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm nay, hội chứng teo gan tụy trên tôm đã khiến gần 40.000 ha tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại, với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh việc nguồn giống không đảm bảo, quy trình nuôi thiếu chặt chẽ, thì yếu tố môi trường nuôi tôm có nhiều hóa chất độc hại là các nguyên nhân gây nên hội chứng này. Đây là hệ lụy của việc người nuôi tôm lạm dụng các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ( BVTV) trong một thời gian dài.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết: “ Cho đến nay chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân chính thức gây ra hội chứng này. Song, một nguyên nhân được chúng tôi đặc biệt lưu ý là việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong đó có nồng độ cao Cypermethrin trong các ao nuôi tôm, để xử lý giáp xác.
Kiến nghị nâng mức hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm

Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, nhằm sớm tìm ra nguyên nhân để xây dựng pháp đồ điều trị hội chứng teo gan tụy trên tôm. Bộ cũng đang kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm bị thiệt hại đồng thời đưa ra những khuyến cáo cần thiết vào thời điểm này.
Thứ nhất, tuyệt đối không sử dụng Cypermethrin, và các loại thuốc BVTV trong ao nuôi tôm. Thứ hai,rất nhiều vùng nuôi không sử dụng hệ thống xử lý nước, bây giờ đề nghị phải có những ao xử lý nước riêng, tránh như hiện nay có hộ có 2 ao thì thả tôm cả 2.”- Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản nói. 

                                             
                                Tôm chết do hội chứng teo gan tụy ở phường Tân Thành, Hải Phòng

Tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường cho sản xuất cá tra
Còn về ngành hàng cá tra, diện tích thả nuôi năm nay chỉ đạt hơn 4.100 ha –thấp hơn so với năm ngoái do giá thức ăn thì tăng, trong khi giá cá nguyên liệu đang giảm kỷ lục. Giá cá tra đang xuống dưới giá thành khiến người nuôi cá thua lỗ nặng. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không thể thu mua cá cho nông dân do thiếu vốn. Tình trạng người dân treo ao, doanh nghiệp ngừng hoạt động đang xuất hiện ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương.
Trước tình hình này, hỗ trợ người nuôi cá tra và doanh nghiệp là một trong những việc làm cấp thiết. “Chúng tôi đã cùng Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoach, Hiệp Hội VASEP, Hội nghề cá, Ngân hàng NN&PTNN và một số ngân hàng thương mại quốc doanh để đề xuất tham mưu cho Chính phủ.  Đến nay, Tổng Cục Thủy sản đã trình Bộ và Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ về các gói giải pháp cho chính sách với người nuôi và doanh nghiệp cá tra.”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các gói hỗ trợ được đề xuất sẽ nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và khai thông thị trường cho người dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Vấn đề đặt ra bây giờ, là cần sớm hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ này.
Thực hiện: Thế Toàn
Ảnh: Đắc Lực
Nguồn: vtv16.vn