Khi nguồn vốn phát huy hiệu quả

Khi nguồn vốn phát huy hiệu quả
Xây dựng nông thôn mới (NTM) không phải chỉ đơn thuần là kiên cố hóa đường, trường, trạm, mà mục tiêu chính là làm sao nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn theo hướng bền vững. Với quan điểm và cách nhìn đó, sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đời sống của người dân vùng nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước thay đổi.



 

Tìm hiểu “cách làm” NTM ở đây, phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Sáu - Phó trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh.

Thưa ông, sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% các xã hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Ông có thể chia sẻ đôi nét về thành công này?
Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương mà Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp do đồng chí bí thư trực tiếp làm trưởng ban, trong khi Thông tư 26/TTLB/NNPTNT-BTC chỉ quy định đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân là trưởng ban chỉ đạo. Bởi theo quan điểm của tỉnh Quảng Ninh, để phát huy được sức mạnh của các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng NTM thì Đảng phải vào cuộc.
Không chỉ 125/125 xã hoàn thành công tác phê duyệt quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM, Ban vận động chung tay xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện đã được thành lập, các quỹ đã tiếp nhận trên 4.760 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ trực tiếp công trình theo hình thức “chìa khóa trao tay” cho địa phương thực hiện xây dựng NTM. Sau 2 năm triển khai, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân các địa phương, người dân đã tự nguyện đóng góp sức người, vật chất, hiến đất để triển khai thực hiện chương trình. Tính riêng năm 2012, các hộ dân đã tham gia hiến 211.868 m2 đất, trên 2.400 m tường rào, 26 cổng, 64 công trình phụ, 2.537 cây ăn quả lâu niên để xây dựng nhà văn hóa và các công trình hạ tầng khu vực nông thôn.
Vậy ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay mà Quảng Ninh đã thực hiện trong quá trình triển khai chương trình?
Có nhiều cách làm hay mà các huyện, xã chủ động vận dụng theo đặc thù của mình, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh xác định phải tháo gỡ và xây dựng cơ chế chính sách cho các địa phương và người dân. Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chỉ có đẩy mạnh sản xuất mới có điều kiện để làm các tiêu chí khác. Theo đó, năm 2012, tỉnh yêu cầu các địa phương dành 15% kinh phí ngân sách cho phát triển sản xuất và dự kiến năm 2013 là 45%. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung - chế biến và tiêu thụ, mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện tỉnh đã xây dựng được thương hiệu cho 16 sản phẩm nông sản và dự kiến năm 2013 sẽ có thêm 8 thương hiệu nông sản nữa được xây dựng bằng nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ.
Thêm vào đó, tỉnh yêu cầu các địa phương giúp đỡ người dân xây dựng hồ sơ vay vốn sản xuất tại các ngân hàng thương mại và có chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho các hộ dân. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích và vận động các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm nông sản do người dân sản xuất, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng về NTM tại các địa phương thì ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu do chính các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất. Đồng thời, để tìm hiểu những khó khăn của người dân và các địa phương trong quá trình thực hiện, tỉnh đã tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân và cán bộ cơ sở với chủ đề “Quảng Ninh xây dựng NTM bền vững” tại 3 địa phương: Thị xã Quảng Yên, huyện Đông Triều và huyện Hải Hà. Năm 2013, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức tọa đàm, đối thoại với người dân đến tận các xã, thôn.
Với 30% từ nguồn kinh phí của Nhà nước, 70% từ nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội, đến nay, 97% các hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới, 201 công trình giao thông được nâng cấp và sửa chữa, 158 công trình thủy lợi, 100 nhà văn hóa đã hoàn thành, 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh… 8 xã đã về đích được công nhận là xã NTM, trong đó có 2 xã khó khăn không nằm trong kế hoạch (Điền Công thuộc TP.Uông Bí và Hồng Phong của huyện Đông Triều), nhưng nhờ chương trình xây dựng NTM với cơ chế linh hoạt của tỉnh và địa phương cũng đã về đích trong năm 2012.
Bài học kinh nghiệm mà các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh rút ra sau 2 năm triển khai chương trình, thưa ông?
Với tư duy không làm theo dự án trông chờ ngân sách nhà nước mà phải huy động các nguồn lực từ xã hội và người dân, những chương trình, dự án đó là làm cho dân, người dân là đối tượng thụ hưởng. Do vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh cũng đã thay đổi trọng tâm chỉ đạo của chương trình là ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tỉnh phân cấp triệt để nguồn lực cho các địa phương, tỉnh chỉ quản lý các mục tiêu, nhờ đó đã tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính tự chủ trong việc triển khai thực hiện chương trình. Quan trọng hơn cả là nguồn lực của Nhà nước và của xã hội đóng góp cho chương trình đã được sử dụng hợp lý, đúng mục đích và phát huy hiệu quả, người dân vừa là người giám sát, vừa thực hiện và cũng là đối tượng thụ hưởng của chương trình, nhờ đó bộ mặt nông thôn Quảng Ninh đã từng bước thay đổi theo hướng phát triển bền vững./.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hường - Hồng Lý thực hiện
Theo  ven.vn