Khó khăn trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn

Khó khăn trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chăn nuôi được tỉnh coi là một mũi đột phá quan trọng. Đề án phát triển chăn nuôi lợn ra đời là một động lực lớn để ngành chăn nuôi phát triển đúng định hướng và đạt hiệu quả cao. Sau hơn một năm thực hiện, bên cạnh đạt được những kết quả khả quan, vẫn còn những khó khăn vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ để chăn nuôi lợn phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 

Những tín hiệu vui

Với tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn (PTCNL), sau khi Đề án được ban hành, hầu hết các tổ chức, đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao nhằm thực hiện tốt chủ trương của tỉnh.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án, chăn nuôi lợn của tỉnh đã có những bước phát triển lớn, khẳng định được vị trí quan trọng nhất trong ngành chăn nuôi (chiếm 67% khối lượng thịt hơi xuất chuồng), góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 42% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Khó khăn trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn

Đề án phát triển chăn nuôi lợn ra đời góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 42% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp

Đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh đã đạt trên 365.000 con, trong đó, lợn nái 45.600 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 42.500 tấn. Chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng quy mô lớn; được tổ chức sản xuất liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 31 cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm và 1 cơ sở chăn nuôi lợn nái cấp bố mẹ liên kết.

Các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực. Các hợp tác xã chăn nuôi lợn được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả như: HTX Xuân Sơn ở Thạch Tiến, HTX Đồng Tiến ở Thạch Thắng - Thạch Hà, HTX Thống nhất ở Khánh Lộc - Can Lộc, HTX Cường Thịnh ở Phúc Đồng - Hương Khê, HTX Hoàng Châu ở Kỳ Bắc - Kỳ Anh…

Thiếu giống - chuyện cũ chưa có giải pháp mới

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án PTCNL cũng gặp không ít những khó khăn. Trong hàng loạt khó khăn như: quy hoạch tổng thể vùng chăn nuôi, nguồn vốn, vấn đề sản xuất - chế biến - thị trường, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn được xác định là nguồn giống.

Thực tế thời gian qua, nhu cầu chăn nuôi đang lên rất cao, nhưng do thiếu giống, nhiều hộ dân đành gác lại chuyện đầu tư vào chăn nuôi lợn. Chưa kể, nhiều hộ phải nhập giống trôi nổi trên thị trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thời gian qua, hầu hết nguồn giống lợn đều trông chờ vào đơn vị chủ chốt là Tổng công ty KS&TM, còn các địa phương, nơi được giao chịu trách nhiệm thực hiện 40% nguồn giống, vẫn đang khá nhiều lúng túng; chưa có sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Lê Văn Nhị, Giám đốc Công ty chăn nuôi Mitraco nói: “Nếu các huyện không chủ động thực hiện sản xuất con giống thì với phong trào chăn nuôi lợn phát triển mạnh như hiện nay, Tổng công ty dù cố gắng đến đâu cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, tỉnh cần nghiêm túc chỉ đạo các huyện vào cuộc cùng với Tổng công ty để đảm bảo nhu cầu con giống cho người chăn nuôi, đảm bảo thực hiện tốt Đề án”.

Còn rất nhiều lực cản làm chậm tiến độ triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi. Mặc dù các địa phương đều đã có quy hoạch tổng thể đảm bảo yêu cầu xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch cho phát triển chăn nuôi, tuy nhiên trên thực tế quỹ đất dành cho xây dựng trang trại và vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện còn thiếu, trong khi đó doanh nghiệp và người chăn nuôi lại thường gặp khó khăn trong việc chuyển đổi đất cũng như đền bù GPMB.

Khó khăn trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi lợn

Do thiếu giống, nhiều hộ chăn nuôi phải nhập giống trôi nổi trên thị trường

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi đã được đề cập từ lâu nhưng hiện vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp, người chăn nuôi và các tổ chức tín dụng.

Về mức hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi trong Quyết định 24 của UBND tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi đề nghị tỉnh cần hạ thấp một số tiêu chí về chăn nuôi được hỗ trợ trong Quyết định bởi nếu với các tiêu chí hiện tại, chỉ có các mô hình chăn nuôi lớn được áp dụng, còn các mô hình vừa và nhỏ sẽ không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ.

Theo ông Phạm Quốc Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang thì, với các tiêu chí cao, mục đích chính của Quyết định là để khuyến khích sự ra đời các mô hình chăn nuôi lớn. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, trước mắt cần có sự điều chỉnh hợp lý để nhiều hộ dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, đáp ứng được sự phát triển về chiều rộng để tiến tới phát triển về chiều sâu, đưa ngành chăn nuôi phát triển hài hòa và vững chắc.

Cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, yếu kém về thực hiện Đề án PTCNL trong thời gian qua, đó là nhìn chung các địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án sâu rộng đến mọi người dân. Trong quá trình triển khai, chưa cụ thể hóa được những bước đi, cách làm hiệu quả. Về mặt thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc… Vì vậy, vấn đề thiếu giống lợn trầm trọng như hiện nay cũng xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Theo đồng chí Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ đạo PTCNL của tỉnh thì về vấn đề nguồn giống, hiện nay cơ bản vẫn chỉ trông chờ vào Tổng công ty KS-TM, còn các địa phương vẫn đang loay hoay và chưa tìm được hướng đi thích hợp.

Đây là một thực trạng cần sớm giải quyết, bởi đúng ra, nòng cốt trong việc sản xuất con giống thương phẩm phải là các địa phương, còn Tổng công ty chỉ chịu trách nhiệm sản xuất nguồn giống ông bà, bố mẹ.

Thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách phù hợp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty để trước mắt đáp ứng nhu cầu con giống cho người chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh bền vững.

Vũ Dũng