Khó khăn trong xây dựng NTM ở vùng phân chậm lũ sông Hồng

Khó khăn trong xây dựng NTM ở vùng phân chậm lũ sông Hồng
Người dân ở vùng chậm lũ sông Hồng không thể yên tâm sản xuất và chính quyền các địa phương vẫn không có cách nào để kêu gọi đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
 

 

Khó khăn trong xây dựng NTM ở vùng phân chậm lũ sông Hồng
 

 

 

 Sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận HN (Ảnh: TTX)

 
Vùng phân chậm lũ lâu nay vẫn thường được hiểu là những khu vực, mà trong một số trường hợp khẩn cấp, sẽ phải hy sinh để hứng lũ thay cho những khu vực đông dân cư hoặc những trung tâm quan trọng về chính trị và kinh tế của đất nước. Đối với thủ đô Hà Nội, trọng trách này từ nhiều năm nay đã được giao cho nhiều xã của 5 tỉnh lân cận. Đây là những xã nằm trong cái gọi là vùng phân chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng.
 
Mặc dù, cách đây một năm Thủ tướng chính phủ đã có nghị định 04/2011 bãi bỏ việc sử dụng các khu phân chậm lũ này. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì  việc bãi bỏ này chỉ là trên lý thuyết. Cũng có nghĩa là người dân thì vẫn không thể yên tâm sản xuất và chính quyền các địa phương vẫn không có cách nào để kêu gọi đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
 
Ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, chống mối đục thân đê vẫn là một công việc hàng ngày. Dù có mưa hay không thì cống phân lũ Vân Cốc, công trình phân lũ bảo vệ nội thành Hà Nôi, đều được bảo dưỡng định kỳ 1 tháng một lần.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Hạt trưởng hạt quản lý đề điều Sơn Tây - Phúc Thọ khẳng định, có hay không có nghị quyết 04 thì người dân vẫn phải giữ vững tinh thần cảnh giác.
Bão lũ cao  không phải năm nào cũng xảy ra nhưng người dân lúc nào người ta cũng phải giữ vững tinh thần cao nhất để giảm được cái thiệt hại. Trong vòng 40 năm qua, đã có hai lần người dân Phúc Thọ phải thực hiện trọng trách đau đớn, là chịu lũ thay Hà Nội. 
 
Ông Nguyễn Nam Hợp vẫn còn nhớ như in lần phân lũ năm 1986. Toàn bộ ngôi nhà của ông bị nước lũ nhấn chìm. Toàn bộ ruộng vườn và hoa màu mất trắng. Gia đình ông đã mất hơn 5 năm sau đó mới có thể phục hồi sản xuất.
 
Ông Nguyễn Nam Hợp,  Thôn Phú Châu, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: “Nói là mưa lũ đã sợ rồi chứ nếu là nước lại càng nguy hiểm hơn. Lúc bấy giờ tôi còn có sức khỏe chứ bây giờ yếu rồi thì sợ lắm, càng về sau này lại càng sợ”.
 
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó cục trưởng cục quản lý đê điều và phòng chống bão lũ: không thể khẳng định rằng với nghị quyết 04 của Chính phủ, giải pháp phân lũ đã hoàn toàn bị loại bỏ bởi thời tiết hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp.
 
Nhưng với nghị quyết 04, đã có một sự thay đổi, đó là các xã vùng phân chậm lũ sẽ không còn được hưởng những chương trình đầu tư đặc biệt, để thích ứng với lũ lụt, như trước kia.
 
“Về mặc nguyên tắc, các vùng phân lũ sau khi xóa bỏ tên gọi sẽ được xem giống như các khu vực khác trong đồng bằng sông Hồng. Tôi nghĩ là chương trình ưu đãi với các vùng phân lũ đã hoàn thành. Bây giờ cơ chế chính sách sẽ trở về giống với các địa phương khác”,  ông Vũ Xuân Thành, Phó cục trưởng cục Quản lý đê điều và phòng chống bão lũ, Bộ NN&PTNT cho biết.
 
Xã Xuân Phú sẽ bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Nhưng đến giờ trong những bản đề án của chương trình, vẫn chưa ai biết sẽ phải làm thế nào để thay đổi cơ cấu kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Một thực tế là không doanh nghiệp nào muốn bỏ tiền ra đầu tư tại vùng phân lũ. Không có cơ chế nào để đền bù thiệt hại nếu những đầu tư của họ bị nước lũ nhấn chìm. 
 
Anh Dương Hồng Tuyển – Chủ tịch xã Xuân Phú huyện Phúc Thọ Hà Nội khẳng định với phóng viên VTV: “Muốn chuyển dịch được cơ cấu, muốn nâng cao thu nhập của người dân phải có doanh nghiệp họ đầu tư vào đây. Họ bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, với một vùng đất như chúng tôi, chắc là bây giờ và kể cả trong tương lai cũng vẫn chưa thể có được. Vì thế mọi thứ là rất khó”.
 
Không có doanh nghiệp đầu tư, xã Xuân Phú cũng không tìm được một loại cây trồng, vật nuôi khả dĩ nào để có thể chuyển dịch cơ cấu sản xuất hay tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ngô và lúa người dân Xuân Phú cũng chỉ có thể trồng thêm một vài loại rau ngắn ngày, giá trị kinh tế chẳng là bao.
 
Theo bà Nguyễn Thị Hải nếu muốn trồng những loại cây dài ngày, giá trị kinh tế cao, bắt buộc phải dồn điền đổi thửa để đầu tư cải tạo mặt bằng. Nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ chế chính sách nào cho việc này.
 
Người dân Phúc Thọ gọi mình là cái cầu chì cắt lũ cuối cùng của Hà Nội. Bao nhiêu năm nay toàn bộ nền công nghiệp của họ chỉ gói gọn trong vài cái lò gạch thủ công, tận dụng tài nguyên là bùn ngoài bãi, còn vật nuôi thích hợp nhất ở đây, thì chỉ là vịt.
 
Nghị định 04 đã khiến Phúc Thọ không còn được gọi tên là vùng phân chậm lũ, nhưng cuộc sống của người dân thì vẫn phải gắn liền với ngập và nỗi lo có thể mất tất cả bất cứ lúc nào.

 

 

 



Tác giả : Anh Ngọc - Đỗ Thủy
Nguồn: vtv.vn