Lạc Lâm tạo đồng thuận

Lạc Lâm tạo đồng thuận
Lạc Lâm là một trong hai xã đầu tiên của huyện Đơn Dương (cùng với xã Quảng Lập), tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM.

Lạc Lâm tạo đồng thuận

Đơn Dương chú trọng chăm lo đời sống văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong khi Đơn Dương là huyện duy nhất của Lâm Đồng được tỉnh chọn xây dựng điểm về NTM ở cấp huyện (sẽ về đích vào năm 2015) thì việc Lạc Lâm về đích sớm trong xây dựng NTM ở cấp xã là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt.

NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ

Từ thực tế xây dựng NTM ở Lạc Lâm, Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Lạc Lâm Huỳnh Văn Quang cho biết: “Cần chủ động trong triển khai các phần việc; phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động nhân dân tổ chức thực hiện các tiêu chí, không thụ động trông chờ, ỷ lại nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh mà xác định tiêu chí nào thuận lợi sẽ cho triển khai thực hiện trước; tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ trong nhân dân, để đầu tư phát triển SX, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường...".

Lạc Lâm là xã nằm dọc theo QL 27, cách trung tâm huyện Đơn Dương 5 km về hướng đông bắc. Tổng diện tích tự nhiên của toàn xã là 2.220 ha; trong đó, rừng và đất lâm nghiệp chiếm 1.467 ha, đất SXNN là 474,5 ha. Xã có 10 thôn, trong đó có 1 thôn đồng bào dân tộc thiểu số (104 hộ, 591 khẩu).

Với điều kiện xuất phát điểm vừa có những thuận lợi nhất định nhưng đồng thời cũng còn không ít khó khăn, song điều đáng ghi nhận là nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương nên thành quả mà Lạc Lâm đạt được trong xây dựng NTM những năm qua rất đáng được ghi nhận.

Trước hết, trong công tác chỉ đạo và triển khai chủ trương xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Lạc Lâm đã ban hành quy chế hoạt động cùng với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Trong đó, Hội Nông dân xã được xác định là tổ chức đóng vai trò chủ thể trong phong trào xây dựng NTM nên phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, đồng thời phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện đúng và đủ phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra - giám sát, thụ hưởng”.

Nhờ vậy, ngay trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện xây dựng NTM, Lạc Lâm đã hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM; tiếp đến, năm 2012 hoàn thành thêm 5 tiêu chí và 5 tiêu chí còn lại được hoàn thành vào năm 2013.

TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN

Cũng như các địa phương khác, với Lạc Lâm, để hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí, việc người dân lên tiếng đồng lòng hưởng ứng và thực hiện là vô cùng quan trọng, và Lạc Lâm đã làm được điều này.

08-22-43-dsc05358092505391

Ví dụ trên lĩnh vực giao thông (tiêu chí 2) là một điển hình: Trong 3 năm xây dựng NTM, tổng kinh phí cho việc xây dựng mới và nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông trên địa bàn xã Lạc Lâm là hơn  20 tỷ đồng. Trong tổng nguồn kinh phí đã bỏ ra này, người dân trong vùng đóng góp đến 9,6 tỷ đồng.

Nhờ vậy mà ở Lạc Lâm, toàn bộ 5,6 km đường trục xã và liên xã được cứng hóa đạt chuẩn của Bộ GTVT - đạt 100% (tiêu chí là 100%), 10 km đường liên thôn được cứng hóa 70% (tiêu chí 50%), 4,5 km đường ngõ xóm được cứng hóa 77,8% (tiêu chí 30%) và 6,5 km đường nội đồng được cứng hóa 80% (tiêu chuẩn là 50%).

Về thủy lợi (tiêu chí 3): Kết quả qua 3 năm thực hiện, Lạc Lâm đã nâng cấp và sửa chữa kênh mương phục vụ SX đạt kiên cố hóa ở mức 85% (tiêu chí đặt ra là 45%) với tổng nguồn vốn hơn 5,4 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 800 triệu đồng.

Ở lĩnh vực điện (tiêu chí 4), sự đồng thuận của người dân còn được thể hiện cao hơn: Để Lạc Lâm đạt tỷ lệ 98,9% hộ sử dụng điện, tương đương 1.786 hộ, như hiện nay (tiêu chí là 98%), tổng kinh phí phải bỏ ra trong 3 năm qua là 1 tỷ 570 triệu đồng.

Điều cần nhấn mạnh là, trong tổng nguồn vốn này, vốn do dân đóng góp chiếm đến 1 tỷ 370 triệu đồng. Cụ thể, ngoài khoản tiền 200 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ để nâng cấp công trình điện của trục đường QL 27, nguồn vốn 1 tỷ 370 triệu đồng do dân đóng góp được sử dụng vào việc làm 20 km điện đường chiếu sáng ở 10/10 thôn trong xã với chi phí 500 triệu đồng; dân thôn Mrăng đóng góp 370 triệu đồng để tự kéo điện về phục vụ SX; cùng đó, nhân dân các thôn Lạc Lâm Làng, Lạc Thạnh và Yên Khê Hạ cũng đã đóng góp 500 triệu đồng kéo điện ra đồng phục vụ SXNN.

Sự đồng tình hưởng ứng và thực hiện của nhân dân xã Lạc Lâm còn được thể hiện trên nhiều lĩnh vực - tiêu chí khác có thể kể ra đây như: Tiêu chí 5 về trường học, tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm qua gần 14,3 tỷ đồng, dân đóng góp 265 triệu đồng; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa, trong tổng kinh phí thực hiện 4 tỷ đồng, dân đóng góp 1 tỷ 150 triệu đồng...

Tạo được sự đồng thuận cao của người dân là vấn đề nổi bật ở Lạc Lâm trong xây dựng NTM trong 3 năm qua. Theo kinh nghiệm của Lạc Lâm, vấn đề cốt yếu trong xây dựng NTM là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân xác định rõ đây là chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm; trong đó, phát huy nội lực của người dân là chính, và Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ.
                                                                                                                                       Khắc Dũng

                                                                                                                                Theo nongnghiep.vn