Lai Châu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 14/04/2018 11:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Còn nhiều khó khăn
Năm 2017 là năm thứ hai tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được triển khai thực hiện đồng bộ, phát huy được vai trò chủ thể của người dân và đạt được những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân đổi thay rõ rệt.
Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh Lai Châu đã có 24 xã (chiếm 25% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, số xã còn lại trong toàn tỉnh đều đạt và xấp xỉ đạt 12 tiêu chí, không còn xã nào dưới năm tiêu chí. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 95 trong số 96 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về giao thông lên 45 trong số 96 xã đạt; hệ thống thủy lợi tiếp tục được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng với 89 trong số 96 xã đạt tiêu chí. Ngoài ra, hạ tầng lưới điện cũng được đầu tư hiện đại với 100% các xã có điện, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về điện trong toàn tỉnh lên 82 trong số 96 xã.
Có đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối hiện đại, lại có nguồn điện lưới quốc gia phủ khắp các xã, bản, cho nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 17,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trong toàn tỉnh còn hơn 27 nghìn hộ, chiếm 36,76% (giảm 6,13% so với năm 2016); số hộ cận nghèo chiếm 14,49%. Hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, môi trường sinh thái nông thôn từng bước được cải thiện; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ðồng chí Bùi Văn Mác, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM gặp không ít khó khăn do một số cơ chế, chính sách, hướng dẫn của bộ, ngành T.Ư ban hành chậm và thiếu đồng bộ, cho nên công tác huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội để thực hiện một số nội dung như làm đường giao thông, nhà văn hóa, xóa nhà tạm, nhà dột nát... còn nhiều hạn chế, cho nên tiến độ xây dựng NTM tại các xã theo kế hoạch, nhất là các xã đặc biệt khó khăn còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Việc áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM còn lúng túng, công tác tuyên truyền, vận động mặc dù đã được chú trọng nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên, việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thật sự tạo được chuyển biến rõ nét. Việc liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại các mô hình hợp tác xã còn hạn chế. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa tạo được những sản phẩm có thương hiệu và giá trị.
Gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn chính là mục tiêu tỉnh Lai Châu đang quyết tâm thực hiện. Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao hơn 13 nghìn ha ở Than Uyên, Tân Uyên, Tam Ðường; phát triển cây chè ở Than Uyên, Tân Uyên, Tam Ðường, Sìn Hồ; cây cao-su ở Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn; cây quế ở Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn... bước đầu cho kết quả tương đối khả quan.
Bà Trương Thị Nhàn, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lai Châu cho biết: Ðể tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất nương, rẫy sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chè, quế, mắc-ca và cây ăn quả. Vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi, nhất là giúp họ thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp.
Năm 2018, Lai Châu phấn đấu có thêm sáu xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 30 trong số 96 xã. Trong đó có TP Lai Châu. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Lai Châu đã tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dựng phong phú. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Ðảng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong xây dựng NTM. Cùng với đó, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, huy động tối đa nguồn lực địa phương, ưu tiên hỗ trợ các xã dự kiến đạt chuẩn và các xã đặc biệt khó khăn. Áp dụng có hiệu quả cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM. Tập trung đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cao. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong xây dựng NTM.
Hy vọng rằng, với những giải pháp cụ thể, thiết thực, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có những bước tiến vượt bậc, từng bước xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía bắc vào năm 2020.
Theo Báo Nhân dân