Làm giàu từ vốn vay nông nghiệp
- Thứ tư - 03/07/2013 23:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mặc dù là một tỉnh có điểm xuất phát thấp, song mấy năm trở lại đây tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM. Để giúp nông dân vươn lên làm giàu từ cuộc sống khó khăn, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ, trong đó đáng chú ý là Quyết định 24 và Quyết định 26 đã góp phần đắc lực tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng.
Điểm đến quen thuộc của nông dân Hà Tĩnh là NHNo Hà Tĩnh. Với tổng nguồn vốn lũy kế tính đến nay là 9.104 tỷ đồng, dư nợ 7.100 tỷ đồng, NHNo đã tạo điều kiện cho trên 300 ngàn khách hàng vay vốn (chiếm 50% thị phần của các ngân hàng thương mại trên địa bàn).
Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc NHNo Hà Tĩnh, nói: “Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, lãi suất huy động giảm song ngân hàng vẫn luôn luôn là kênh đầu tư chủ yếu của người dân Hà Tĩnh. Liên tục trong nhiều năm, NHNo Hà Tĩnh là người bạn đồng hành của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong phong trào xây dựng NTM.
Anh Nguyễn Phi Thắng bên mô hình nuôi cá chẽm
Tính đến nay, tổng dư nợ dành cho nông nghiệp, nông thôn đã đạt 5.595 tỷ đồng, với gần 6 nghìn khách hàng thuộc 12 huyện, thị được hưởng ưu đãi để kích cầu sản xuất, tạo nên nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đa dạng và hiệu quả”.
Theo bà Diên, với 16 chi nhánh đặt ở tất cả các huyện, thị, NHNo Hà Tĩnh tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tạo hành lang pháp lý nhanh gọn, dễ dàng để người nông dân sớm tiếp cận nguồn vốn.
Được biết, thông qua nguồn vốn vay của đơn vị, toàn tỉnh xây dựng được hàng ngàn mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong đó có hơn 600 mô hình gắn với xây dựng NTM (gần 40% là chăn nuôi).
Nhiều địa phương như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn, Can Lộc… cùng với sự tiếp sức của ngân hàng đã tạo nên phong trào sản xuất nông nghiệp sôi nổi. Ở đó bà con đã mạnh dạn kết nối sản xuất gắn với thị trường.
Đến thăm mô hình nuôi cá chẽm, cá hồng mỹ của anh Nguyễn Phi Thắng ở xã Thạch Bàn, Thạch Hà; chúng tôi ngỡ ngàng vì người nông dân rắn rỏi, nhanh nhẹn từng là thợ nề nay có thể táo bạo làm sống dậy hơn 100 hồ nuôi tôm vốn được coi là “cánh đồng hoang” do dự án SUMA bỏ lại đã 6 năm.
Anh Thắng nói: “Khi tôi về cải tạo những hồ tôm bị bỏ hoang để nuôi cá chẽm, cá hồng mỹ ai cũng nghĩ đó là điều không tưởng. Mất 2 tháng trời ròng rã, những con cá giống đầu tiên mới được thả xuống. Vượt qua muôn vàn khó khăn, tôi đăng ký thành lập HTX Diêm Hải và thành quả là những ao cá đầy ắp như các anh thấy”.
Anh Thắng cho biết, nắm được thông tin Quyết định 26 của tỉnh hỗ trợ lãi suất cho vay, anh Thắng tiến hành làm nhanh các thủ tục và được NHNo Thạch Hà "tiếp sức" 180 triệu đồng theo Quyết định 24 và 750 triệu đồng theo Quyết định 26. Với nguồn vốn này anh mạnh dạn đầu tư máy móc, kỹ thuật, mở rộng sản xuất từ diện tích 6,5 ha (2012) lên 15 ha (2013) với 42 hộ nuôi.
Kết quả, vụ thả đầu tiên năm 2012 anh thu hoạch được 11 tấn giống, tổng thu nhập đạt 1,16 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu về 270 triệu; giải quyết việc làm cho 22 lao động. Dự kiến năm 2013, sản lượng tôm ước đạt 7 tấn, cá 17 tấn, cua 4 tấn, tổng doanh thu ước đạt 3,37 tỷ đồng, lợi nhuận 470 triệu, giải quyết việc làm cho 30 lao động ở địa phương.
Hiện tất cả 12 huyện, thị, TP của Hà Tĩnh đã triển khai mạnh mẽ chương trình đưa vốn về kích cầu sản xuất của NHNo Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Diên cho biết: Hằng năm, chúng tôi luân phiên cắt cử cán bộ tại các Chi nhánh NHNo huyện, thị, TP đi kiểm tra, theo dõi các mô hình kinh tế, trên cơ sở đó tham mưu điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tế, góp phần hỗ trợ nông dân tối đa. |
Theo nongnghiep.vn