Liên kết để vươn xa

Liên kết để vươn xa
Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể với 19 tiêu chí liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực: Công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thu nhập... Xây dựng nông thôn mới không dừng ở một xã, một huyện, một tỉnh, thành phố mà trên quy mô cả nước. Vì vậy, việc liên kết vùng là một trong những yếu tố quan trọng để nông thôn mới ở Hà Nội ngày một vươn xa.
Chuyển biến nhưng thiếu bền chặt

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã có nhiều chuyển biến rõ nét về kinh tế, xã hội. Tuy vậy, theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, chương trình vẫn bộc lộ một số hạn chế do các quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa phục vụ phát triển lâu dài. Nhất là thiếu tính liên kết vùng trong tổ chức sản xuất hàng hóa. Đơn cử, nhiều nông sản của huyện chỉ được tiêu thụ ở nội thành và các vùng phụ cận, trong khi thông tin về thị trường, giá cả dường như nông dân, chính quyền địa phương không nắm rõ. 
 

 

Phát triển hạ tầng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới của Hà Nội cần sự liên kết với các xã lân cận. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cũng trăn trở: Trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương mới tập trung vào việc hoàn thành 19 tiêu chí đã đề ra để đạt chuẩn. Các đồ án, quy hoạch xã nông thôn mới chỉ hoạch định chủ yếu các không gian chức năng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong phạm vi địa bàn một xã mà chưa đề cập đến liên kết vùng... 

Việc thiếu liên kết vùng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của huyện Gia Lâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ, môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với nhiều nỗ lực, huyện Gia Lâm đã dần khắc phục được hạn chế ô nhiễm. Tuy vậy, việc khắc phục ô nhiễm môi trường các sông: Cầu Bây, Giàng và Thiên Đức chảy qua địa bàn huyện là không đơn giản, bởi nó liên quan đến nhiều quận, huyện phía đầu nguồn, thậm chí là tỉnh lân cận Hà Nội, ngoài tầm kiểm soát của huyện... Không riêng huyện Gia Lâm, thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương dọc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Tương tự, trong phát triển hạ tầng, từng đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới của Hà Nội lại mang tính riêng lẻ, thiếu hoạch định về hạ tầng đầu mối khu vực liên xã, thiếu tính liên kết trong phát triển sử dụng chung cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật với các xã lân cận. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng, quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở khu vực ngoại thành dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu liên kết vùng, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở vùng xa trung tâm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thừa nhận, thiếu liên kết chính là hạn chế lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Về phát triển sản xuất, các quy hoạch thiếu tính liên kết sẽ khó hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, không tạo được tính cạnh tranh, việc xây dựng thương hiệu, khả năng đầu tư công nghệ cũng thấp...

Điều chỉnh quy hoạch, tăng khớp nối vùng

Để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, các địa phương phải bảo đảm 9 tiêu chí gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh, trật tự xã hội và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí quy hoạch đòi hỏi có quy hoạch xây dựng vùng huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Rõ ràng, việc quy hoạch, liên kết theo vùng là đòi hỏi tất yếu trong xây dựng nông thôn mới.

Để khắc phục hạn chế do thiếu liên kết vùng trong xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến mong muốn TP Hà Nội sẽ lập quy hoạch xây dựng liên kết các xã, huyện, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, khớp nối các quy hoạch với nhau. Ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, khi xây dựng đề án nông thôn mới, hầu hết các xã đều lập quy hoạch nông thôn đơn thuần nên thành phố đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp không chỉ trong phạm vi xã, huyện mà còn tăng tính liên kết trong nhiều tiêu chí như sản xuất, xây dựng hạ tầng theo hướng vùng sản xuất hàng hóa, phát triển sử dụng chung cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật đối với các xã, huyện liền kề nhau...

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đặc trưng của Hà Nội nằm ở các xã ven đô, xã giáp với phường, thị trấn. Qua đây, phải tính toán bước đi, cách làm khoa học, bài bản để khớp nối nông thôn và thành thị, tranh thủ các lợi thế, xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh đô thị hóa. Không chỉ các xã giáp nội đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, theo quy hoạch, trong tương lai Hà Nội sẽ còn có 5 khu đô thị vệ tinh đã được Chính phủ phê duyệt gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên. Do vậy, việc quy hoạch tổng thể các xã, huyện nông thôn mới cũng cần tính toán gắn với phát triển đô thị.

Mới đây, kiểm tra việc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" tại các địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và thành phố; tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch bảo đảm đúng quy định. Đối với các huyện ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh phải đặt vấn đề phát triển nông thôn mới bền vững gắn với đô thị, giải quyết các bất cập trong quá trình đô thị hóa, như vậy sẽ tránh được sự đầu tư lãng phí về sau.
 
Theo Hà Nội Mới