Loay hoay tìm vacxin chống dịch

* Quyền Cục trưởng Cục Thú y: Cứ đà này, tôi xin… về hưu sớm! Trước tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) lan nhanh trên cả nước, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã họp khẩn BCĐ quốc gia phòng chống dịch CGC bàn phương án chống dịch. Tại cuộc họp, vấn đề vacxin – virus vẫn đang làm ngành Thú y đau đầu, loay hoay xử lí.

Theo Cục Thú y, tính đến ngày 18/2, dịch CGC đã lan rộng ra 11 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số hơn 12 nghìn con gia cầm bị mắc bệnh và gần 40 nghìn con gia cầm phải tiêu hủy. Nhận định về tình hình diễn biến của dịch trong thời gian tới, Cục Thú y cho biết mặc dù tốc độ bùng phát của dịch đã có dấu hiệu giảm bớt, tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường làm giảm sức đề kháng của gia cầm khiến nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch, lại chưa có vacxin phù hợp để tiêm phòng nên thời gian tới, dịch vẫn có thể tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương.

Liên quan đến vấn đề virus, giám sát dịch tễ từ việc phân tích các mẫu virus tại các ổ dịch CGC cho thấy tại các tỉnh phía Nam, virus H5N1 hiện chủ yếu vẫn lưu hành nhánh virus cũ là Clade 1 và một vài mẫu virus thuộc Clade 2.3.4. Hiện tại, cả hai loại vacxin H5N1 Re-1 và H5N1 Re-5 do Việt Nam NK từ Trung Quốc vẫn đang có tác dụng bảo hộ tốt đối với cả hai nhánh virus này. 

Không SX được vacxin, Việt Nam vẫn đang loay hoay đối phó với dịch CGC

Đối với nhánh virus mới là Clade 2.3.2 (gồm hai nhánh con là Clade 2.3.2-A và Clade 2.3.2-B), giám sát dịch tễ cho thấy nhánh này đang ngày càng có xu hướng bùng phát rộng, trải dài từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là nhánh 2.3.2-A. Ông Tô Long Thành, GĐ TT Chẩn đoán Thú y TƯ lo ngại cho biết, tốc độ lây lan của nhánh virus 2.3.2-A hiện đang nhanh gấp 3 lần so với nhánh virus 2.3.2-B. Hiện tại, đã có 24 tỉnh tại phía Bắc và Tây Nguyên phát hiện có nhánh virus 2.3.2-A tồn tại. Trong khi đó, nhánh virus 2.3.2-B, mặc dù trước đây chỉ xuất hiện ở Thái Bình và Nam Định, nhưng gần đây cũng đã xuất hiện lan ra nhiều tỉnh khác như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An…

Điều gay go nhất đó là đối với cả hai nhánh virus 2.3.2-A lẫn 2.3.2-B lưu hành tại miền Bắc tới thời điểm này, các cơ quan thú y vẫn chưa tìm ra loại vacxin nào có hiệu lực bảo hộ đạt yêu cầu. Cụ thể: Vacxin H5N1 Re-1 chỉ có hiệu quả bảo hộ đạt 80% đối với nhánh virus 2.3.2-A, còn đối với nhánh 2.3.2-B, nếu tiêm hai mũi thì hiệu quả bảo hộ vẫn chỉ đạt khoảng 50%; vacxin H5N1 Re-5, nếu tiêm một mũi thì chỉ có hiệu quả bảo hộ 70% đối với nhánh virus 2.3.2-A, và hoàn toàn không có tác dụng bảo hộ đối với nhánh 2.3.2-B.

Như vậy, đối với nhánh virus 2.3.2-A tại miền Bắc, mặc dù tỉ lệ bảo hộ thấp, nhưng nếu sử dụng vacxin CGC vẫn hiệu quả nhất định. Trong khi đó, nhánh virus 2.3.2-B thì có thể nói là “bó tay” vì không có loại vacxin nào có hiệu quả. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần và lãnh đạo Cục Thú y cho rằng, mặc dù hiệu quả bảo hộ của vacxin đối với nhánh virus tại miền Bắc là không cao, tuy nhiên việc tiêm vacxin cũng sẽ là một giải pháp phòng dịch bổ trợ hiệu quả, bên cạnh các giải pháp đồng bộ. “Hiện tại, nguồn vacxin dự trữ trong kho của TƯ chỉ còn khoảng 6 triệu liều, nên cần lập tức chỉ định thầu để NK ngay vacxin CGC của Trung Quốc về để tiêm phòng trực tiếp cho các vùng có dịch, các vùng có nguy cơ cao” – Thứ trưởng Tần đề nghị.

Trước ý kiến của Cục Thú y về việc cho nhập gấp vacxin để chống dịch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát băn khoăn khi cho rằng: Tiêm vacxin đề chống dịch là cần thiết, tuy nhiên vấn đề là phải xác định rõ ở tỉnh nào đang tồn tại nhánh virus nào, với tỉ lệ hay xác suất là bao nhiêu thì mới có thể quyết định được là nên tiêm hay không. Bởi nếu tỉnh này có tỉ lệ lưu hành nhánh virus 2.3.2-B cao, thì tiêm vacxin không có tác dụng, cũng vô ích, cũng không loại trừ trong một tỉnh, lại đồng thời lưu hành nhiều nhánh virus khác nhau thì sẽ tiêm thế nào?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đối với tỉnh đã xác định được tỉ lệ lưu hành virus CGC nhánh 2.3.2-A, Bộ NN-PTNT sẽ đồng ý cho nhập ngay vacxin về để tiêm chống dịch 2 mũi, vì dù sao vacxin vẫn có tác dụng bảo hộ nhất định đối với nhánh virus này. Còn địa phương nào xác định virus lưu hành chủ yếu là nhánh 2.3.2-B, thì sẽ không tiêm, mà chỉ tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để chống dịch. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y trong tuần này, phải triển khai lấy nhiều mẫu xét nghiệm ở các địa phương để tổng hợp lại xem virus lưu hành ở đó chủ yếu thuộc nhánh nào? Đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể để giám sát dịch tễ.  

Trong khi ngành Thú y vẫn đang mải lo xét nghiệm virus thì dịch CGC vẫn đang có nguy cơ lan rộng

“Ngành Thú y mà không đưa ra được bản đồ dự báo dịch tễ xem lúc nào có nguy cơ bùng phát loại dịch gì, ở đâu thì làm sao có thể phòng chống dịch được? Việc điều tra, giám sát dịch tễ những năm 2004 – 2005 Viện Thú y đã từng làm được rất tốt. Còn mấy năm nay thì không hiểu sao tê liệt hoàn toàn. Lại còn chuyện xét nghiệm, giải trình tự gen cũng thế, không thể lúc nào cũng phải chuyển mẫu sang Hàn Quốc rồi chờ kết quả được. Hai tuần trước, Cục Thú y nói đã gửi mẫu đi Hàn Quốc xét nghiệm độc tính của virus CGC rồi, thế mà tới giờ, vẫn chưa có. Viện Thú y thì hôm trước nói rằng cần xin 300 triệu để mua mồi phục vụ xét nghiệm, giải trình tự gen. Thế bây giờ các anh cần xin thêm gì nữa? Ngành Thú y của nước Việt Nam này phải làm chủ được việc xét nghiệm đó chứ” – Bộ trưởng Cao Đức Phát gay gắt.
 
.

+ Ông Hoàng Văn Năm, quyền Cục trưởng Cục Thú y:
“Bộ yêu cầu lấy nhiều mẫu ở các tỉnh xét nghiệm, rồi giải trình tự gen nữa, thì đề nghị Bộ đồng ý cho Cục bỏ tiền quỹ ra mua máy giải trình tự gen đi, tầm 2 hay 4 tỉ đồng gì đó, cộng với kinh phí duy trì hoạt động phải 800 triệu đồng/năm! Có máy, Cục sẽ phối hợp với chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm, kiêm luôn làm xét nghiệm dịch vụ. Chứ bây giờ đi xét nghiệm một mẫu virus bệnh tai xanh, cũng phải nhờ bên Bộ Y tế, mất tới 2,5 triệu đồng/mẫu, mà có khi chờ hàng tháng cũng chưa có kết quả, trong khi đó nếu xét nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp thì chỉ tốn có 70 nghìn đồng/mẫu là cùng.
Tôi hỏi, Viện Thú y, rồi Viện Chăn nuôi… thì một năm làm được bao nhiêu cái mẫu xét nghiệm? Toàn những cán bộ mới đào tạo, mấy phòng máy thì chỉ mới chạy… rốt-đa là cùng, chứ đã làm được gì đâu mà báo cáo hoành tráng thế? Chống dịch thì phải thực tế chứ, cứ thế này thì tôi xin Bộ cho nghỉ hưu sớm, không chỉ đạo ngành nữa”.
+ Ông Nguyễn Tiến Không, Phó Viện trưởng Viện Thú y:
“Máy xét nghiệm, giải trình tự gen hiện tại Viện đều có và thực hiện được ngay. Nếu Bộ yêu cầu xét nghiệm thì Viện lập tức làm ngay, số lượng ít nhất tạm thời là 200 mẫu, trong thời gian sớm nhất là 36 tiếng, muộn nhất là 3 ngày sẽ có kết quả. Ngoài ra, Viện Chăn nuôi, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng có máy giải trình tự gen, chỉ tại không thấy sự chỉ đạo làm xét nghiệm đấy chứ”.
 

 Theo nongnghiep.vn