Lồng ghép linh hoạt các chương trình

Lồng ghép linh hoạt các chương trình
BCĐ chương trình NTM Lai Châu xác định phải lồng ghép các chương trình một cách linh hoạt trong quá trình triển khai để đạt được kết quả khả quan nhất.

Là tỉnh có diện tích rộng, dân số mỏng, có những xã rộng gần bằng 1 tỉnh ở đồng bằng nên Lai Châu gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì vậy, BCĐ chương trình NTM xác định phải lồng ghép các chương trình một cách linh hoạt trong quá trình triển khai để đạt được kết quả khả quan nhất.

NỖ LỰC ĐÁNG GHI NHẬN

Theo BCĐ Chương trình MTQG về xây dựng NTM Lai Châu, sau 3 năm triển khai, cho đến thời điểm hiện tại về cơ cấu bộ máy, tổ chức BCĐ cấp tỉnh và cấp huyện, tỉnh Lai Châu đã cơ bản kiện toàn.
Cụ thể, đã có 8/8 huyện, thị thành lập BCĐ lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng NTM và đẩy mạnh tuyên truyền người dân tham gia.

Tỉnh cũng đã phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM được đông đảo bà con nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ đó, trong năm 2013 Lai Châu đã hoàn thành xây dựng quy hoạch và phê duyệt đề án ở 96/96 xã.

Ông Bùi Văn Mác - Chi cục trưởng Chi cục PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM Lai Châu cho hay: Sau 3 năm triển khai, Lai Châu đã mở mới hàng trăm công trình, trên 400km đường giao thông liên xã, bản, nội bản, đường nội đồng.

Chủ trương của tỉnh là hỗ trợ xi măng, vật liệu còn người dân đóng góp ngày công. Theo số liệu thống kê sơ bộ, bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hiến trên 100.000 m2 đất, đóng góp hơn 67 tỉ đồng.

Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng công tác thủy lợi, vì đây là cơ sở quan trọng để người dân có thể chủ động SX nông nghiệp, nâng cao thu nhập, từ đó đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh. Trong 3 năm qua, hệ thống thủy lợi được tỉnh Lai Châu đầu tư cải tạo, xây mới đã đáp ứng được 80% tỉ lệ diện tích gieo cấy, nâng tổng diện tích canh tác được tưới tiêu thường xuyên trong năm 2013 lên trên 22.000ha, tăng gần 1.200 ha so với 2010.

Nhìn chung, xét theo tiêu chí, tính đến hết năm 2013, bình quân Lai Châu đạt 6,67 tiêu chí/xã, tăng 3,9 tiêu chí/xã so với năm 2010. Lai Châu hiện chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí, số xã đạt 15 - 18 tiêu chí hiện cũng chỉ có 1, chiếm 1,04%; số xã đạt 10 - 14 tiêu chí hiện nâng lên 14, tăng 3 xã so với năm 2011; số xã đạt 5 - 9 là 60, tăng 43 xã so với năm 2011 và số xã dưới 5 tiêu chí còn lại 21, giảm 54 xã so với 2011.

Ông Bùi Văn Mác tâm sự: “Lai Châu có xã diện tích hơn 500km2, rộng gần bằng tỉnh Bắc Ninh nên quá trình xây dựng NTM phải rất linh hoạt và uyển chuyển. Tuy nhiên, dù là tỉnh nghèo, khu công nghiệp thì không có, DN nhỏ và ít, nhưng thông qua phong trào “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng NTM” đã có 130 DN  đăng ký ủng hộ hơn 9 tỉ đồng, hiện đã ủng hộ hơn 3 tỉ đồng. Đây là sự ghi nhận rất lớn tinh thần, trách nhiệm của DN, HTX và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

CHÚ TRỌNG SẢN XUẤT, THU NHẬP

Trong một lần trao đổi với Báo NNVN, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng nhắc lại kỷ niệm cũ: Có lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Lai Châu, ông mới nói vui rằng Lai Châu có xã chắc 100 năm nữa mới đạt được các tiêu chí NTM. Nói thế không phải là Lai Châu bàn lùi mà thực sự để đạt được theo đúng bộ tiêu chí NTM của BCĐ Trung ương đòi hỏi phải có một nguồn đầu tư rất lớn, một cơ chế thật đặc thù và đặc biệt là quyết tâm cao độ.

Trong 3 năm, từ 2011 đến 2013, tỉnh Lai Châu chi ngân sách trực tiếp đầu tư cho xây dựng NTM là 43,973 tỉ đồng, số tiền chỉ như muối bỏ biển với một tỉnh rộng hơn 9.000 cây số vuông. Tuy nhiên, trong năm 2014 này tỉnh Lai Châu có bước đột phá lớn khi dành hơn 109 tỉ đồng cho chương trình xây dựng NTM.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Lai Châu, trong năm 2014, tỉnh phấn đấu chỉ tiêu tăng bình quân 1,5 tiêu chí/xã. Trong đó, các xã điểm cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM
vào năm 2015.
Ba nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM của Lai Châu, là tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế; bê tông hóa đường trục ngõ, thôn, bản theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm và tổ chức thu gom rác thải, xây dựng chuồng chăn nuôi, nhà xí hợp
vệ sinh môi trường.

Trong đó, 79 tỉ đồng là từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và 30 tỉ đồng là 50% số tiền vượt thu ngân sách năm 2013 của Lai Châu được TƯ đồng ý để lại làm NTM. Có thể, 109 tỉ đồng xây dựng NTM so với nhiều địa phương khác chỉ là số lẻ, nhưng với một tỉnh mà thu ngân sách hàng năm chỉ xấp xỉ trên dưới 600 tỉ đồng thì nó chiếm tới gần 15%. Qua đó cho thấy lãnh đạo tỉnh Lai Châu đặc biệt chú trọng đến chương trình NTM.

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, then chốt để chương trình xây dựng NTM thành công, trong những năm qua và định hướng những năm tiếp theo, Lai Châu luôn đặt tiêu chí này lên hàng đầu trong các chương trình lồng ghép linh hoạt.

Ba năm qua, Lai Châu tập trung đẩy mạnh phong trào thâm canh tăng vụ, đưa lúa đông xuân lên vùng cao, tăng thêm vụ ngô xuân sớm và trồng ngô trên vùng bán ngập thủy điện… đưa sản lượng lương thực toàn tỉnh trong năm 2013 lên 182.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2013, tỉnh Lai Châu đã trồng được gần 12.000 ha cao su, hiện đang tạo công ăn việc làm và thu nhập khá ổn định cho hàng nghìn công nhân và lao động địa phương.

Để đạt hiệu quả cao trong quá trình xây dựng NTM, ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó BCĐ chương trình NTM Lai Châu chia sẻ: Trong cách làm phải thật sự linh động, mềm mại. Làm sao vừa đạt được mục tiêu đề ra, song không làm sai lệch các nguyên tắc về đầu tư và thủ tục hành chính Nhà nước đã ban hành.

Ví dụ, khi đầu tư làm đường giao thông nông thôn, tỉnh Lai Châu ưu tiên làm những con đường vào các vùng trồng chè, cao su trước để thúc đẩy sản xuất kết hợp với những chính sách dành riêng cho làm đường với các vùng được quy hoạch trồng chè sẽ tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất sau này.

“Nhờ cách làm linh hoạt, đến hết năm 2013 Lai Châu đã tổng diện tích chè gần 4.000ha, trong đó chè tiêu chuẩn VietGAP là 105 ha, chiếm gần 50% diện tích là các giống chè trồng mới chất lượng cao Kim Tuyên. Qua đó, nâng sản lượng búp chè tươi toàn tỉnh lên xấp xỉ 20.000 tấn. Hiện tại, Lai Châu đã có một số DN chè đang hoạt động rất ổn định.

Sắp tới, Cty Chè Tam Đường đầu tư dây chuyền chế biến chè sẽ gắn chặt các vùng nguyên liệu với DN chế biến. Từ đó, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, trực tiếp góp sức vào hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng nhấn mạnh.

Đại Từ
Nguồn nongnghiep.vn