Lý Nhân (Hà Nam): Kinh nghiệm từ việc hiến đất

Lý Nhân (Hà Nam): Kinh nghiệm từ việc hiến đất
Sẵn sàng chặt cây, phá tường rào, hiến đất… là những kinh nghiệm về xây dựng NTM mà người dân 2 xã Công Lý và Cát Tường (Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ với Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều khi đến thăm các xã này.

 

Có mặt tại 2 xã điểm Công Lý và Cát Tường, nơi có con đường giao thông liên thôn mới mở rộng, phẳng, chúng tôi được biết đây là con đường được người dân nơi đây tự nguyện hiến đất để làm. Từ bờ ao, bụi rậm đến tường rào, cây cối, thậm chí cả công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi… bà con đều sẵn sàng tháo dỡ nhường đất cho đường. Ông Lê Công Khoa – Phó Bí thư Huyện ủy Lý Nhân cho biết: “Để xây dựng NTM, Hà Nam đã chọn 2 xã Công Lý và Cát Tường làm điểm xây dựng NTM theo phương án, tỉnh hỗ trợ một phần, còn lại người dân đóng góp”.

Đồng chí Lều Vũ Điều (đứng giữa) thăm xã nông thôn mới Công Lý.

Theo cách làm này, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi xã trên 200 tấn ximăng để bê tông hóa đường làng, ở tuyến đường giao thông liên thôn thì yêu cầu bề mặt đường rộng trên 5m, còn giao thông liên xóm mặt đường rộng 3m. Ông Nguyễn Văn Bình – Bí thư Đảng ủy xã Công Lý chia sẻ: “Đến nay, xã Công Lý đã bê tông hóa được hơn 19,7km đường thôn xóm và 5,6km kè, đã có 320 hộ hiến đất làm đường và nhiều hỗ khác dỡ tường, chặt cây”.

Bà Lê Thị Hồng Lạng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cho rằng: “Để có sự đồng thuận của nhân dân, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, gương mẫu trong công tác giải phóng mặt bằng”. Đã có nhiều tấm gương của hội viên trong việc hiến đất, phá tường. Điển hình là ông Lê Huy Bằng, 71 tuổi, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Bá. Ông Bằng cho biết: “Nhiều gia đình khi kêu gọi hiến đất, đóng tiền, chặt cây để mở rộng đường làng thì cũng phản ứng ghê lắm. Có hộ nhất định không dỡ tường, không đóng tiền, nhưng được vận động, phân tích, nhiều hộ đã hiểu ra và tự nguyện tháo dỡ, hiến đất”.

Trong buổi làm việc với xã Công Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam), ông Lều Vũ Điều cho rằng: “Nhà nước đang tập trung nhiều nguồn lực vào xây dựng NTM, song để đạt được kết quả, rất cần sự chung tay, góp sức của chính người dân. Bởi nếu xây dựng NTM mà chỉ một mình Nhà nước làm, nhân dân không ủng hộ, chung tay cùng làm, thì khó có thể xây dựng thành công chương trình này”. Bên cạnh đó, ông Điều cũng cho rằng: “UBND tỉnh Hà Nam cần nhân rộng mô hình xây dựng NTM ở 2 xã Công Lý và Cát Tường trên địa bàn toàn tỉnh”.