Mùa vàng trên bình nguyên xanh Ea Súp

Mùa vàng trên bình nguyên xanh Ea Súp
Từ TP.Buôn Ma Thuột, dọc theo Tỉnh lộ số 1 của Đắk Lắk hướng về phía Tây, chúng tôi dừng chân tại Vườn quốc gia Yok Don. Tiếp chúng tôi là TS.Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc vườn. Cuộc trò chuyện càng trở nên thú vị khi anh Thiện tâm sự về những đam mê của người giữ rừng từ Hà Nội vào Tây Nguyên.


Mới tiếp quản vườn trong thời gian ngắn nhưng độ nóng của rừng dần được hạ nhiệt bởi cách tiếp cận mới lạ và tích cực của một nhà khoa học yêu rừng. Theo quan điểm của anh, chúng ta giữ rừng phải kết hợp nhiều yếu tố, điều đặc biệt là phải tuyên truyền để người dân ý thức được vai trò của công tác bảo vệ rừng và làm giàu từ rừng. Qua câu chuyện, chúng tôi phần nào an tâm về công tác bảo vệ rừng ở Yok Don và chia sẻ những thành quả mà anh em kiểm lâm đã khó nhọc gây dựng thời gian qua.

Rời vườn quốc gia Yok Don, chúng tôi đến những vùng đất lân cận, hai bên đường là những cánh rừng khộp xanh tít tắp. Nhưng rừng lại nóng bởi sự xâm lấn đất của người dân trên lâm phần của chủ rừng là các công ty lâm nghiệp. Hầu hết các công ty đều gặp  nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay, vậy thì viết gì đây khi về Ea Súp? Câu hỏi đó đã được ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk gợi ý, đó là tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới ở nơi này.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Ea Súp. Theo ông Quang, dù rất cố gắng nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, quá trình triển khai ở huyện và xã còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc. Là huyện miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, nhân dân lại quen với sự bao cấp của nhà nước nên sự vận động, tuyên truyền rất khó khăn.

Đem câu chuyện xây dựng nông thôn mới trao đổi với anh Đặng Phú Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê­, một trong 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, anh Bình cho biết, Ea Lê là đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Về nơi này, chúng tôi cảm nhận được sự no đủ trên những cánh đồng vàng ươm của lúa, cây thuốc lá, đậu xanh, bắp và của những chú bò mộng lông óng vàng của những hộ nông dân nơi đây.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay Ea Súp đã gặt hái nhiều thành quả trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Xã Ea Lê đã đạt các tiêu chí quy hoạch, bưu điện, điện, cơ cấu lao động, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị; Ea Rok 5/19 tiêu chí; Cư M’Lan đạt 5/19 tiêu chí; Ia Jlơi đạt 3/19 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2014, mỗi xã phấn đấu đạt thêm từ 2 - 4 tiêu chí.

Hiện nay, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn ở Ea Súp đều xuống cấp, kể cả tuyến đường Tỉnh lộ số 1 từ Buôn Đôn lên các xã biên giới của huyện cũng đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa của bà con. Theo anh Bùi Đức Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Ea Rok, nhiều khi xoài chín đồng loạt mà không ai mua, xoài rụng đầy ruộng, nông dân phải cào lên bờ để có chỗ gieo giống lúa, dù chất lượng xoài ở đây không thua kém bất kỳ loại xoài nào nhưng giá bán không cao do vận chuyển khó khăn.


Đàn bò bên dòng kênh thủy lợi ở Ea Súp.
 
Ngược lên hướng Tây, chúng tôi đến xã Ia Jlơi, anh Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc nên mọi thứ còn tạm bợ, dù vậy chương trình xây dựng nông thôn mới nơi đây vẫn được chính quyền và nhân dân chú trọng và thực hiện với quyết tâm cao, hy vọng trong thời gian không xa nữa, chính quyền và nhân dân nơi đây sẽ đạt được những chỉ tiêu  đề ra.

Về Cư M’lan, chúng tôi được biết, xã vừa triển khai cấp lúa giống cho bà con nhằm khắc phục những khó khăn trong đợt hạn hán vừa qua. Theo anh Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã, xây dựng nông thôn mới trước hết phải lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, từ đó mới tính đến các tiêu chí khác. Nếu dân đói thì rừng cũng khó giữ mà môi sinh, môi trường cũng sẽ ngày càng xuống cấp trầm trọng. Rất kịp thời và thấu hiểu bức xúc của nhân dân, huyện đã đầu tư cho xã 40 triệu đồng để nâng cấp bãi chứa rác và một xe công nông để chở rác.

Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đất rộng người thưa nên việc xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp cần sự hỗ trợ của các cấp, tự thân các xã dù rất cố gắng nhưng khó về đích nếu không có sự đầu tư từ cấp trên, cấp bách nhất là hệ thống giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng. Nếu hai tiêu chí này hoàn thiện, sẽ kéo theo các lĩnh vực khác phát triển theo. Ví như hệ thống thủy lợi, từ khi có hai hồ thủy lợi Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ và hệ thống kênh mương nội đồng thì trên những cánh đồng, năng suất cây trồng tăng rõ rệt. Khi đến Ea Súp, chúng tôi bất ngờ vì vùng đất này bằng phẳng, với những cánh đồng vàng ươm trên một bình nguyên xanh tít tắp. Nói đến Đắk Lắk, người ta nghĩ đến cây càphê, cao su, thế mà ở đây, lại thích hợp với những cây trồng ngắn ngày như lúa, bắp, đậu xanh, đậu nành, thuốc lá, mía...

Hiện, tại thôn 9 của xã Ea Lê đã hình thành cụm công nghiệp với sự góp mặt của các doanh nghiệp như Công ty Khatoco Khánh Hòa chuyên thu mua nguyên liệu thuốc lá; Công ty TNHH Đức Liên của ông Nguyễn Thanh Liên chuyên thu mua và chế biến hàng nông sản; Công ty chế biến gỗ Phước Lợi... Hy vọng cụm công nghiệp này sẽ là địa chỉ tin cậy cho sản phẩm nông nghiệp mà nông dân sản xuất ra.

Hãy một lần đến Ea Súp để cảm nhận vẻ đẹp của những sắc vàng nơi đây, từ những chiếc lá vàng của rừng khộp mùa lá rụng, màu vàng cuồn cuộn của phù sa dòng sông Sêrêpok, màu vàng ươm của đồng lúa vào mùa, của những trái xoài chín mọng và sắp tới khi dự án nuôi bò sữa đi vào hoạt động thì nông dân nơi đây lại thêm những mùa vàng bội thu.
HUỲNH NGỌC YÊN
  Nguồn kinhtenongthon.com.vn