NTM Long Mỹ: Triển vọng nuôi ba ba đực thương phẩm
- Thứ bảy - 19/11/2016 09:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bà Trần Thị Bông, ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, bên hầm nuôi baba thương phẩm của gia đình.
So với một số loài động vật hoang dã khác như: cá sấu, trăn đất, rắn ri voi thì mô hình kinh tế nuôi ba ba đực thương phẩm đã đem về lợi nhuận khá cao, vì đầu ra và giá bán ổn định. Theo đó, trên thị trường các thương lái thu mua ba ba (loại I) có giá 330.000-350.000 đồng/kg, còn ba ba (loại II, III) có giá dao động khoảng 160.000-200.000 đồng/kg. Với mức giá hấp dẫn này, sau gần 18 tháng nuôi và xuất bán, có thể thu lãi về trên 70%.
Là người nuôi thành công, bà Trần Thị Bông, ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Nếu nuôi khéo, hiệu quả kinh tế mang lại hấp dẫn cao gấp mấy lần so với làm lúa, đặc biệt là mình không lo chuyện đầu ra. Bởi tới thời gian xuất bán, gọi điện thoại thì thương lái vào bắt nhanh lắm”. Được biết, trước đây gia đình bà Bông chủ yếu làm ruộng, nhưng năng suất lúa không cao. Vì vậy, đến năm 2007, bà mạnh dạn chuyển sang nuôi ba ba thương phẩm và dần dần nhân rộng quy mô nuôi. Hơn hết là năm 2014, với diện tích khoảng 4.000m2, gia đình bà thả nuôi 18.000 con ba ba giống. Đến nay, vừa xuất bán một đợt, thu về trên 300 triệu đồng. Hiện, còn khoảng 9.000 con ba ba thương phẩm chờ sẵn trong hầm, có thể xuất bán đợt tiếp theo trong dịp tết này.
Cũng theo bà Bông, sau những lần thất bại, rút tỉa kinh nghiệm, cũng như kết hợp với việc nuôi thử nghiệm 3 hầm ba ba, với diện tích mỗi hầm khoảng 1.000m2 (mật độ thả 5 con/m2). Đó là, 1 hầm toàn đực; 1 hầm cái, đực; 1 hầm toàn cái thì bà Bông cho rằng hầm toàn đực lớn nhanh, chi phí đầu tư thấp, ít bệnh, năng suất đạt cao hơn các hầm ba ba còn lại. Bởi, trong quá trình nuôi, bà Bông đều áp dụng kỹ thuật chăm sóc như nhau, vẫn cho ăn điều độ, canh và thay đổi nguồn nước để tránh gây ô nhiễm. Song, tối còn tranh thủ đi quan sát để hạn chế việc ba ba đi và cắn gây thương tích mà làm gia tăng rủi ro. So với ba ba đực, con ba ba cái lớn chậm vì do mang trứng. Từ đó, muốn nuôi hiệu quả, bà Bông luôn bỏ công phân đàn, tách cỡ để đảm bảo ba ba lớn đều, phát triển tốt.
“Mô hình kinh tế nuôi ba ba đực luôn mang lại hiệu quả cao, nhưng nuôi cũng cần lưu ý khi thời tiết trở lạnh thì nên để các vật giá thể xuống hầm cho ba ba leo lên sưởi ấm. Đồng thời, khẩu phần cho ba ba ăn cũng phải thuyên giảm, tránh tình trạng dư thừa thức ăn, phát sinh bệnh…”, bà Bông cho biết thêm.
Chính vì am hiểu tập tính và sinh trưởng của ba ba, tới đây, bà Bông còn dự định dùng những phần ao trống còn lại để nhân rộng quy mô nuôi, trong đó bà sẽ thiết kế thêm hầm nuôi ba ba bố mẹ để nhân giống ba ba con vừa đảm bảo nguồn con giống tại chỗ, vừa phục vụ người dân trong và ngoài huyện có nhu cầu nuôi.
Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Long Mỹ - Vị Thanh, đánh giá: Ở địa phương, số hộ nuôi ba ba tương đối nhiều. Đồng thời, ba ba cũng là vật nuôi có giá bán và đầu ra khá ổn định. Ngoài ra, nếu nuôi ba ba toàn đực, tỷ lệ đạt hơn 30% so với việc nuôi lộn xộn, đặc biệt là rút thời gian nuôi rất nhiều. Từ đó, kéo theo chi phí đầu tư hạ thấp, tăng nguồn lợi nhuận. Chính bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân yên tâm nuôi.
“Người nuôi cần chú ý quan sát kỹ ao nuôi, đảm bảo môi trường nước phải đủ độ pH, tránh sốc nhiệt, nhất là trong quá trình cho ăn nên phối trộn thêm vitamin C để hỗ trợ thêm sức đề kháng cho ba ba khỏe, lớn nhanh”, ông Anh khuyến cáo.
Theo Chí Công (Báo Hậu Giang)