NTM Thanh Hóa: Đìu hiu... làng nghề
- Chủ nhật - 26/03/2017 04:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những người còn làm nghề mây tre đan ở xã Quảng Phong chủ yếu đã cao tuổi.
Những năm qua, việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thanh Hóa đã được triển khai bằng nhiều hình thức, thông qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh và các địa phương. Trong đó phải kể đến quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020...
Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển thì ở một số nơi, làng nghề bỗng thưa người vì... doanh nghiệp. Câu chuyện ở huyện Hoằng Hóa là một ví dụ. Để khôi phục, du nhập và phát triển ngành nghề, làng nghề, từ năm 2002, UBND huyện đã ban hành các đề án, kế hoạch và cơ chế, chính sách khuyến khích để thực hiện việc phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, một số doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư trên địa bàn và mở rộng quy mô sản xuất nên lao động thuộc các làng nghề đã chuyển một phần sang các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Tuy đây là sự chuyển dịch tích cực từ khu vực có năng suất lao động thấp, sang khu vực sản xuất công nghiệp có năng suất lao động và thu nhập cao nhưng đã làm cho lực lượng lao động ngành nghề trong các làng nghề sụt giảm và có những khó khăn nhất định.
Sẽ còn mãi trong ký ức của nhiều người về một thời vang bóng của làng gốm Lò Chum (Đông Hương, TP Thanh Hóa), hay gốm làng Vồm (Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa); làng nghề đục đá, kéo sợi (Hoằng Hóa); làng nghề mây tre đan ở Quảng Phong (Quảng Xương)... Trong số này, có làng nghề đã không còn hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, rất ít người theo nghề, mà những người theo nghề phần lớn chỉ còn người già gắn bó, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Về làng Chính Trung và Đông Đa, xã Quảng Phong (Quảng Xương) chỉ còn hơn 30 hộ theo nghề mây tre đan. Hiện những người làm nên các sản phẩm rổ, rá, dần, sàng ở đây toàn là người già, trong đó người nhiều tuổi nhất là cụ Bồn, cụ Cội đã ngót nghét 90 tuổi. Theo lời giới thiệu của trưởng thôn, chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Bùi Văn Xiểng và bà Nguyễn Thị Thắm (70 tuổi) ở làng Chính Trung. Ông Xiểng ngậm ngùi cho chúng tôi biết: Làm cho đỡ buồn, đỡ nhớ nghề thôi, chứ lời lãi được là bao. Một tháng 2 vợ chồng tôi làm được khoảng 75 sản phẩm, trừ chi phí còn được 450.000 đồng. Thời thịnh vượng, vợ chồng tôi thức làm đến 11- 12h đêm mới nghỉ, giờ chỉ làm đến cuối chiều thôi.
Thời thịnh vượng như ông Xiểng nói cách đây đã vài chục năm, khi ấy nhà ông có đến 8 nhân lực làm nghề mây tre đan, cho thu nhập khoảng 90.000 đồng/người/ngày. Sau khi thị trường Đông Âu không còn, nghề của làng cũng theo đó mà mai một. Nhất là về sau này, khi có doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện thì lực lượng lao động trẻ không còn tha thiết với nghề nên đi làm công nhân, người trung tuổi phần lớn đi làm lao động tự do, chỉ còn các ông bà già gắn bó với nghề.
Ông Lê Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Do thị trường đầu ra rất khó khăn, sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, trong khi đó thiếu nguồn nhân lực. Trước đây hàng trăm hộ sống được với nghề, giờ trong xã chỉ còn vài chục hộ theo nghề và có một gia đình đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con, nhập cho một số tỉnh, thành phố nhưng các đơn đặt hàng cũng không thường xuyên...
Thiết nghĩ, trước những khó khăn trên rất cần các cấp, các ngành quan tâm, có các giải pháp để các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không bị mai một, có bước phát triển.