Nâng chất nông thôn mới còn không ít thách thức

Nâng chất nông thôn mới còn không ít thách thức
Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi bộ mặt ngoại thành, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ giúp phát triển sản xuất và tăng giá trị sản xuất đất nông nghiệp, thu nhập người dân được nâng cao. Từ nay đến năm 2020, mục tiêu xây dựng NTM là nâng chất những gì đã đạt được.

Chỉ mới căn cơ,chưa bền vững

Tại buổi làm việc của HĐND TPHCM với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc sở, kiêm Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP, cho biết 56 xã của 5 huyện ngoại thành đạt bình quân 18,9/19 tiêu chí. Riêng 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh đang trong quá trình xem xét lại. Điều tích cực trong thời gian qua là trong số 15.000 tỷ đồng tiền nợ đọng xây dựng NTM trên cả nước, nhờ quản lý khá chặt nên TPHCM không có tên trong danh sách. Việc xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nhất là kết cấu hạ tầng, cũng như giúp nâng cao thu nhập người dân và giá trị sản xuất đất nông nghiệp. Chính việc cả TP chung sức trong xây dựng NTM nên đã và đang giúp thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nội thành và ngoại thành. 

Trồng bầu VietGAP xây dựng nông thôn mới tại huyện Hóc Môn. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhưng ông Trần Ngọc Hổ cũng nhìn nhận, những gì đạt được giai đoạn qua mới là bước đầu, một số tiêu chí chỉ tiệm cận các yêu cầu đặt ra, tính bền vững chưa cao, như tiêu chí về môi trường, cảnh quan nông thôn; việc sản xuất chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi, nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa đạt như mong muốn. Việc ứng dụng công nghệ cao còn dừng ở mô hình. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng thời gian qua giúp bộ mặt nông thôn thay đổi, nhưng hiệu quả sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Trường học đạt chuẩn quốc gia, nhưng việc thầy cô giáo và các em học sinh biết khai thác cơ sở vật chất để dạy tốt hơn, học tốt hơn là điều còn phải cố gắng nhiều. Tương tự, bệnh xá được xây dựng với đầy đủ trang thiết bị, nhưng nếu bác sĩ tại chỗ không điều trị tốt, người dân không tin tưởng mà vẫn muốn lên tuyến trên để khám những bệnh thông thường, thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Hay như trung tâm văn hóa xã, sáng sớm chưa kịp mở cửa, chiếu tối đã đóng cửa, làm sao có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí hay tập luyện của người dân, khi cán bộ tại đây làm việc theo giờ hành chính?

Tập trung thay vì dàn trải

Tuy nhiên, ngoại thành TPHCM phải đối diện 2 thách thức: Tình trạng đô thị hóa làm cho diện tích sản xuất nông nghiệp giảm xuống, nên việc tổ chức sản xuất luôn phải thay đổi cho phù hợp; vấn đề gia tăng dân số cơ học, khi người nhập cư các tỉnh đến ngày càng nhiều. Dân số huyện Bình Chánh lên 625.000 dân, trong đó, riêng xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đều trên 100.000 dân/xã.  Sự gia tăng này dẫn đến vấn đề an ninh trật tự bị quá tải trong quản lý. Việc quản lý cấp xã hiện nay không thể theo kịp đà tăng dân số cơ học, khoảng 30.000 người/năm. Vì vậy, Bình Chánh đề nghị các xã có mật độ dân số cao được quản lý theo quy chế của một phường nội thành. Vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách. Việc thu gom rác ở các huyện từ các hộ gia đình đã và đang làm nhưng ý thức người dân chưa được đồng đều, chưa được thực hiện liên tục hàng ngày. Có những địa phương bị ô nhiễm mà bản thân huyện không thể giải quyết được, khi ô nhiễm này xuất phát từ các khu công nghiệp như huyện Bình Chánh. Ngay cả tiêu chí về môi trường cũng là thách thức. Trước đây, nếu chăn nuôi, hộ dân chỉ cần làm biogas là đạt, nhưng nay điều này chưa đủ, mà mỗi hộ chăn nuôi phải xử lý nước thải riêng. Điều này không hề đơn giản. Các huyện cho rằng quy định này là làm khó các nông hộ, trong khi chúng ta khuyến khích mở rộng, phát triển sản xuất do nâng chuẩn thu nhập lên cao.

Một vướng mắc khác là vấn đề quy hoạch. Dù là huyện ngoại thành, nhưng xu hướng đô thị hóa vẫn luôn xuất hiện. Xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè là điển hình. Xã này đã được TP quy hoạch là khu đô thị - cảng nên dù hiện nay vẫn là xã NTM, nhưng các dự án đầu tư nông nghiệp ở đây đang bị vướng. Cụ thể là dự án nuôi tôm nước lợ, muốn được TP duyệt hưởng lãi suất ưu đãi theo Quyết định 04, nhưng do vướng quy hoạch này mà dự án đầu tư “bị treo”. Tương tự, Bí thư huyện Củ Chi Trương Văn Thống bức xúc phát biểu tại buổi làm việc với HĐND TP về quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc kéo dài trên chục năm nay, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Do quy hoạch khu đô thị nên khu vực này không có trong danh mục được đầu tư hạ tầng xây dựng NTM giai đoạn 1. Vì vậy, hiện nay có những nơi hạ tầng nông thôn còn kém xa các tỉnh; trong khi xây dựng NTM giai đoạn 2 lại yêu cầu tất cả địa điểm của xã hay huyện đều phải được đầu tư, xây dựng và phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Đây là những thách thức mà các huyện đang gặp phải.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, cho biết tiêu chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 có những yêu cầu cao, như thu nhập bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/năm, kèm theo đó là giảm nghèo bền vững đa chiều. Đây là những áp lực không nhỏ nếu không có cách làm khác với giai đoạn 1. Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM, cho rằng để nâng cao thu nhập, cần tập trung phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng, phải có thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra. Để làm được điều này, phải có mô hình và phương thức sản xuất phù hợp. Chủ trương và chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho các hộ sản xuất cá thể thời gian qua đã phát huy tác dụng, nhưng thời gian tới cần chú trọng vào các mô hình tập trung, quy mô hơn như hợp tác xã... Điều này đòi hỏi cách làm khác, nếu trước đây là đầu tư dàn trải thì nay mỗi địa phương cần phải tìm ra tiêu chí quan trọng nhất để tập trung đầu tư, nhằm giúp bật dậy tiềm năng mỗi địa phương.

Theo CÔNG PHIÊN/sggp.org.vn