Ngày mới ở Ân Phú

Ngày mới ở Ân Phú
Là vùng rốn lũ, quanh năm phải đối mặt với thiên tai nên đời sống của người dân xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Ân Phú đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

 
 
Nuôi ong, giúp người dân Ân Phú nâng cao thu nhập
 
Xóm làng đổi thay
 
Để giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời thu nhập cũng là 1 trong 19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM, các cấp Hội phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tham quan, giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế của các xã lân cận. Đặc biệt, xã được Tổ chức Actionaid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong mật, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu bằng chính nghề ong. 
 
Gia đình ông Phạm Văn Bính là hộ có số đàn ong nhiều nhất xã với hơn 100 đàn. Dẫn chúng tôi đi thăm những thùng ong đặt trong vườn, ông Bính cho biết, khi bắt tay nuôi ong, ông gặp không ít khó khăn bởi không có kinh nghiệm. Nhưng được cán bộ của AAV hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong, đồng thời đưa đi đến các gia đình nuôi ong trong vùng để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 80 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được đầu tư mua 100 thùng ong về nuôi. Hiện doanh thu mỗi năm từ ong của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng. Thấy nghề nuôi ong phù hợp với địa phương và cho thu nhập cao, nhiều người dân trong xã làm theo. UBND xã đã thành lập HTX sản xuất mật ong, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý rõ ràng được khách hàng ưa chuộng. 
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Phú, cho biết, với người dân Ân Phú, những con đường chật hẹp, lầy lội, những con mương thoát nước tù túng chỉ còn trong dĩ vãng. Thay vào đó là những con đường liên thôn được trải nhựa hoặc đổ bê tông phẳng phiu, những căn nhà mái ngói khang trang, vững trãi. 
 
Có được sự đổi thay này  ngoài sự trợ giúp của AAV, còn do trên địa bàn xã phong trào hiến đất, hiến tài sản làm đường giao thông được người dân hưởng ứng nhiệt tỉnh. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần đất ở, đất sản xuất hay tự tay phá hàng chục mét tường rào với tổng trị giá tài sản hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong số những hộ hiến đất, có gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, là hộ nghèo hoặc cận nghèo của xã.
 
Gia đình bà Nguyễn Thị Thoa là một trong những hộ đầu tiên hiến đất làm đường. Bà Thoa cho biết, trước đây đường nhỏ, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Khi Đảng ủy xã vận động hiến đất, bà con lắc đầu, bởi không ai muốn mình chịu thiệt. Để làm gương, bà tự nguyện chặt bỏ một số cây ăn quả sắp được thu hoạch để hiến 8.000m2 đất làm đường của xóm. Bà bảo: "Gia đình tôi luôn ủng hộ mọi chủ trương mà Đảng và Nhà nước đưa ra, như góp đất, ngày công làm  giao thông thủy lợi, góp vốn làm hệ thống nước sạch. Tôi thấy rằng bất kỳ việc gì đem lại lợi ích cho người dân và làm thay đổi diện mạo làng xóm thì mọi người đều ủng hộ cả”.
 
 Không chỉ bà Thoa, đến nay, số đất các hộ dân trong xã hiến đã lên đến 95.000 m2. Rất nhiều công trình trên địa bàn xã được xây dựng trên đất dân hiến đã hoàn thành như sân vận động xã, trường học, nhà trẻ…
 
Cả cộng đồng vào cuộc
 
Theo UBND xã Ân Phú, từ khi xây dựng NTM, làng xóm ngày càng khang trang, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Đến nay, thu nhập của người dân đạt 18,3 triệu đồng/người (năm 2012), tăng gấp 18 lần so với năm 2000 (1 triệu đồng/người/năm). Xã đã hoàn thành 9 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM.
 
Có được kết quả đó là do các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các vấn đề liên quan đến xây dựng NTM. Từ đó, giúp người dân hiểu đúng về xây dựng NTM và xác định vai trò chủ thể trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Hội còn thực hiện tốt cuộc vận động nuôi con khỏe, dạy con ngoan, hội viên giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đi đầu trong phong trào chăn nuôi theo hình thức gia trại; làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong từng gia đình hội viên.
 
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách về xây dựng NTM đã tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân. Người dân đã tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề của xã, đóng góp kinh phí, công sức vào đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Nhờ đó kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương không ngừng phát triển.
 
Phạm Văn Khanh
Nguồn Báo Đại Đoàn kết