Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về tam nông- Nông dân là chủ thể

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về tam nông- Nông dân là chủ thể
"Cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân về tam nông theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ".

 

 
Đây là vấn đề được nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQTW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức ngày 15/8.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), 5 năm qua Hưng Yên đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đã tích cực đưa cơ cấu các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, giá trị kinh tế vào sản xuất, góp phần đưa năng suất lúa từ 62 tạ/ha năm 2008 lên gần 65 tạ/ha năm 2012, lúa chất lượng cao chiếm gần 60% diện tích.

Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản cho hiệu quả cao như: Vùng trồng cam, quất cảnh ở Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ; vùng trồng nhãn Khoái Châu, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên; vùng trồng vải Phù Cừ... Trong chăn nuôi, đã triển khai đề án giống vật nuôi hỗ trợ nông dân gần 90 nghìn con gà giống Đông Tảo. Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác tăng từ 57 triệu đồng/ha năm 2008 lên 130 triệu đồng/ha năm 2012.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển đô thị theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có nhiều chuyển biến.

Tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp đê tả sông Hồng và hệ thống công trình Bắc Hưng Hải, nạo vét sông Điện Biên và sông Đồng Quê - Cửu An... nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh, đáp ứng năng lực phòng chống tiên tai, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh huy động hơn 7 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đầu tư, cải tạo, nâng cấp được hơn 950 km đường giao thông nông thôn, trị giá gần 1 nghìn tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,7%.

Giai đoạn tiếp theo Hưng Yên xác định: phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, mang tính chiến lược lâu dài và bền vững.

Trong đó, chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Xây dựng, thực hiện đề án, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển hợp lý các loại nông sản hàng hóa, xác định cơ cấu sản phẩm nông nghiệp phù hợp với từng địa phương, trên cơ sở phù hợp với quỹ đất trồng lúa, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Khai thác và huy động có hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Theo Bao moi