Nghĩa Hoà với mô hình “3 giảm, 3 tăng”

Nghĩa Hoà với mô hình “3 giảm, 3 tăng”
Là 1 trong 4 xã điểm XDNTM của tỉnh Quảng Ngãi, lại được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc chương trình XDNTM, năm 2012, Ban quản lý XDNTM xã Nghĩa Hoà (Tư nghĩa) đã phối hợp với Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình, Công ty TNHH Nông - lâm nghiệp TBT, HTX và các hội đoàn thể triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa thuần.

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” được bố trí trên quy mô 24ha, với 200 hộ tham gia. Giống lúa được sử dụng trong mô hình là các giống lúa thuần PC6, KD28 và KD ĐB, gieo sạ từ 25/12/2012 - 05/01/2013, mật độ gieo sạ 5kg/sào, ruộng đối chứng và đại trà là 7kg/ha. Mô hình sử dụng phân bón NPK Sao Việt chuyên dùng cho cây lúa do Nhà máy NPK Sao Việt thuộc Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình sản xuất. Nông dân tham gia được hỗ trợ 100% giống lúa, 30% phân bón, 30% thuốc bảo vệ thực vật. 

Kết quả, chi phí đầu tư ở mô hình “3 giảm, 3 tăng” thấp hơn ruộng đối chứng và đại trà khoảng 1 triệu đồng/ha, trong khi năng suất lúa ở mô hình vẫn đạt 63-65 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng và đại trà 0,5 - 1 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đại trà 4 triệu đồng/ha. 

Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, sử dụng phân bón NPK Sao Việt chuyên dùng cho lúa góp phần giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt, làm tăng năng suất so với ruộng sử dụng phân đơn, ngoài ra còn giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. 

Tại Hội nghị tổng kết mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa ở xã Nghĩa Hòa, ông Phạm Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi) đánh giá: Qua thực tế kiểm nghiệm, đây là mô hình có cơ sở lý luận khoa học và tính thực tiễn cao. Thực tế thấy, mô hình đem lại hiệu quả về cả 3 mặt kinh tế, khoa học và môi trường. Cụ thể, về kinh tế, mô hình góp phần giảm đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước, giảm chi phí sản xuất mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Về khoa học, mô hình làm thay đổi không những về nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân mà còn góp phần cải tiến quy trình, kỹ năng canh tác trong thâm canh sản xuất lúa đối với cán bộ quản lý kỹ thuật, mặc khác còn làm cho độ phì nhiêu của đất được cải thiện, góp phần bảo vệ hệ vi sinh vật có ích trong đất và tập đoàn thiên địch…

Cũng theo ông Tuân, Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình cần nghiên cứu thêm quy trình phân bón cho phù hợp với từng chân đất, từng loại giống lúa (dài, ngắn, trung ngày), đồng thời giữ vững chất lượng trong suốt quá trình sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho nông dân.

Hải Vân (kinhtenongthon.com.vn)