Người dân là “hạt nhân” trong XDNTM
- Thứ hai - 15/02/2016 22:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là địa phương có tỷ lệ xã, huyện cán đích NTM sớm và cao so với cả nước, bà có thể chia sẻ lợi thế của Thủ đô trong quá trình thực hiện chương trình?
Bà Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả của huyện Thanh Trì.
Có thể khẳng định, để đạt được kết quả đáng khích lệ và là địa phương dẫn đầu cả nước trong chương trình XDNTM với 201/386 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 52,07% tổng số xã toàn thành phố) là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp và hưởng ứng tích cực của người dân.
Hà Nội cũng có những lợi thế quan trọng như: Xuất phát điểm thực hiện XDNTM cao hơn một số địa phương trong cả nước; mặt bằng nhận thức của nhân dân tương đối cao; việc huy động các nguồn lực đầu tư XDNTM tương đối thuận lợi. Mặt khác, có nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học của Trung ương và thành phố đóng trên địa bàn nên có điều kiện tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rộng lớn, đa dạng, tạo thuận lợi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân.
Lợi thế nhiều nhưng thách thức cũng không ít, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để vượt qua khó khăn, về đích đúng lộ trình. Bà có thể điểm qua một số sáng tạo mà Thành ủy Hà Nội và các địa phương đã áp dụng triển khai?
Trong quá trình thực hiện XDNTM, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: địa bàn rộng với 386 xã (trong đó có 44 xã vùng đồi gò và 14 xã miền núi); sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn còn thiếu thốn, chưa đồng bộ... Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo.
XDNTM đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị thành phố. Đồng thời, các cấp chính quyền chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy cao độ quyền làm chủ của dân, người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án NTM, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch sản xuất, dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) và đặc biệt là việc lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động XDNTM. Phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.
Mặt khác, công tác quy hoạch và đề án XDNTM của các địa phương phải gắn với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Chọn DĐĐT gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ sản xuất như thủy lợi, giao thông nội đồng. Kế thừa tối đa các công trình hạ tầng còn phát huy tác dụng để tiết kiệm kinh phí.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ kiến thức về XDNTM cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác XDNTM ở xã, thôn. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, đề cao vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo các cấp, thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM”, tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để XDNTM. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả; chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong phát triển sản xuất, huy động nguồn lực XDNTM.
Ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố, một số địa phương đã chủ động có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm để đẩy mạnh thực hiện XDNTM, như: Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ…
Theo bà, vấn đề trọng tâm cốt lõi trong XDNTM ở Hà Nội là gì?
Từ thực tiễn công tác chỉ đạo XDNTM tại Hà Nội, vấn đề trọng tâm cốt lõi bảo đảm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng là: Tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện chương trình XDNTM. Đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt công tác quy hoạch và đề án XDNTM các xã, làm tiền đề và cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, ban hành chính sách cụ thể sát với tình hình thực tế của Hà Nội, huy động đa dạng các nguồn lực cho XDNTM. Ngoài chính sách của Trung ương, thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn; hướng dẫn áp dụng thiết kế điển hình kênh tưới nội đồng và giao thông nông thôn. Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để chủ động huy động nguồn lực, giải quyết vướng mắc trong quy hoạch, thanh quyết toán…
Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ làm công tác XDNTM từ thành phố đến cấp thôn được Ban chỉ đạo Thành phố quan tâm, tổ chức tập huấn cho cán bộ huyện, thị xã và lãnh đạo các xã, thôn với tổng số cán bộ tham dự trên 50.000 lượt người.
Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Với mục tiêu XDNTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn, thành phố ưu tiên dự án xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như: kênh mương, giao thông trục chính nội đồng; xác định khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp là việc DĐĐT, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong XDNTM.
Với vai trò là người chỉ đạo trực tiếp chương trình XDNTM, bà có thể tiết lộ những giải pháp, kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo để Hà Nội về đích trước yêu cầu?
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình XDNTM, Hà Nội tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Rà soát, điều chỉnh và xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, có bước đột phá để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng với đó là tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước các cấp cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất. Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và điều hành, quản lý của chính quyền. Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ ngành nông nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn.
Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã ngành nghề, dịch vụ, các hội nghề nghiệp trong nông thôn. Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống trong nông thôn. Tập trung chỉ đạo, chủ động phát huy mọi nguồn lực, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu ứng dụng thực hiện các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua hệ thống các cơ sở dịch vụ thương mại đều khắp ở các vùng.
Việc đạt chuẩn NTM đã khó, nhưng để giữ vững và phát triển hơn nữa, theo bà, các cấp, ngành, địa phương cần phải làm gì?
Phải nói rằng, XDNTM là quá trình liên tục, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Theo quy định của Trung ương, sau 5 năm phải xem xét đánh giá công nhận lại địa phương đạt chuẩn NTM; vì vậy để giữ vững và phát triển hơn nữa các tiêu chí XDNTM, Hà Nội cần phải làm tốt một số công việc như:
Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận xã hội trong XDNTM. Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu XDNTM. Rà soát, sửa đổi đồng bộ các chính sách đảm bảo tính khả thi, sát với thực tiễn, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện chương trình. Xây dựng quy chế quản lý, khai thác sử dụng, bảo dưỡng các công trình phúc lợi công cộng, nhằm phát huy tối đa tác dụng của công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Đồng thời không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và sức cạnh tranh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề truyền thống để đảm bảo ổn định tiêu chí về môi trường trong XDNTM.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Nhất Nam (thực hiện)/kinhtenongthon.com.vn