Người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng để xây dựng NTM
- Thứ sáu - 24/07/2015 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dân làm, dân hưởng lợi
Quy hoạch và phát triển GTNT được coi là một trong những tiêu chí quan trọng nhất nhưng cũng là tiêu chí "ngốn" nhiều nguồn lực nhất trong 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Đường giao thông nông thôn ở xã Mai Hương, huyện Việt Yên (Bắc Giang) được trải ra đến từng cánh đồng giúp người dân thuận tiện trong sản xuất. Ảnh: Việt Tùng
Ông Trần Văn Của - Chủ tịch UBND xã Thái Hưng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) nhớ lại khi thông báo dự toán kinh phí để xây dựng NTM lên đến 300 tỷ đồng, gần như tất cả lãnh đạo xã, thôn đều thấy không khả thi. Giải pháp được đưa ra là rà soát lại dự toán nguồn vốn đầu tư và huy động toàn dân cùng tham gia. Kết quả, đến nay, bộ mặt xã Thái Hưng đã được thay đổi rõ rệt sau khi đưa ra các chỉ tiêu sát thực tế, huy động được sức dân tham gia xây dựng NTM.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Cống - Giám đốc Sở GTVT, kiêm Phó Chủ tịch Hội Cầu đường tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Điều quan trọng nhất là huy động được sức dân, nếu người dân chưa đồng lòng thì không làm được gì hết. Phải vận động để người dân ý thức được các tuyến đường, cây cầu người dân hưởng lợi trước hết. "Chúng tôi rất cảm động khi có các chức sắc tôn giáo tham gia đóng góp sức bằng việc chia ngày công, mỗi người góp 5 ngày công rồi trở lại sản xuất. Nhiều người từ xa về góp tiền xây dựng NTM, thấy hiệu quả mà chi phí xây dựng thấp còn hỏi có làm thêm nữa không để được đóng góp tiếp"- ông Cống vui vẻ chia sẻ.
Nhiều phong trào thiết thực
Nói về kinh nghiệm xây dựng hạ tầng NTM, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng NTM. Cán bộ thôn xã phải “tỷ tê” tới từng hộ gia đình phân tích về cái lợi khi đường sá được khơi thông, mở rộng.
"Để vận động người dân hiến đất làm đường, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến tận nơi, lắng nghe nguyện vọng của người dân và công khai chủ trương hỗ trợ của tỉnh. " |
Nhờ cách làm đó, trong những năm qua nhiều hộ gia đình tại Nghệ An đã lùi hàng rào, chặt phá cây cối, hiến hàng trăm mét đất để làm đường mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ bồi thường nào. "Đến tháng 6.2015, nhân dân Nghệ An đã hiến hơn 5,2 triệu m2 đất để xây dựng NTM"- ông Hồng cho hay.
Để có được kết quả “đẹp”, nhiều nơi ở Nghệ An đã có những cách làm sáng tạo, sát với thực tế tại địa phương như phong trào "Nói không với đền bù giải phóng mặt bằng trong xây dựng NTM" ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; "Bữa cơm đoàn kết" ở xã Nghĩa Mỹ, huyện Nghĩa Đàn; "Một cộng hai" của Hội Cựu chiến binh xã Phúc Thành, huyện Yên Thành.
Cũng có kinh nghiệm hay về huy động người dân cùng làm đường GTNT, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang chia sẻ: "Việc vận động người dân hiến đất đã khó, tránh thất thoát trong xây dựng còn khó hơn. Vì vậy, ngay tại các xã phải thành lập ban xây dựng đường bê tông; còn ở thôn, xóm, bản thành lập ban quản lý, ban giám sát cộng đồng để thực hiện".
Theo danviet.vn