Nhà ở dân cư nông thôn Hài hòa kiến trúc với văn hóa làng, xã
- Thứ sáu - 19/04/2013 08:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều băn khoăn
Xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai có hơn 3.100 hộ dân với trên 12.300 nhân khẩu. Triển khai chương trình xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã tích cực đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà ở. Hơn hai năm qua, toàn xã có 115 ngôi nhà mái bằng kiên cố mới được xây dựng, 230 hộ gia đình được nâng cấp, cải tạo nhà và công trình vệ sinh với tổng kinh phí trên 125 tỷ đồng.
Tính đến nay, tỷ lệ nhà kiên cố trên địa bàn xã chiếm 88%, toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Bảng, Trưởng thôn Tảo Dương, để đạt tiêu chuẩn nhà ở của Bộ Xây dựng là 14m2/người vẫn còn nhiều khó khăn bởi không ít hộ gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống.
Nhà cửa khang trang tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Ở một góc độ khác, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng có hơn 900 ngôi nhà, trong đó hầu hết đều là nhà mái bằng hoặc được lợp ngói, tôn. Trung bình mỗi năm trên địa bàn xã có 30 ngôi nhà được xây dựng mới. Hiện nay xã đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí nhà ở dân cư.
Mặc dù vậy, ông Bùi Thanh Tùng, cán bộ Ban Quản lý xây dựng NTM xã Song Phượng băn khoăn, trong quá trình xây dựng, phần nền của các hộ không đều nhau, nhà xây sau làm cao hơn nhà xây trước, thậm chí có hộ dân, nền nhà thấp hơn mặt đường.Ngoài tiêu chuẩn về diện tích 14m2/người trở lên, niên hạn sử dụng tối thiểu 20 năm, nhà ở nông thôn đạt chuẩn của Bộ Xây dựng còn phải đảm bảo tiêu chí quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông...
Tuy vậy, hiện nay, dưới tác động của việc gia tăng dân số, nhu cầu giãn dân, tách hộ gia đình ở nông thôn khá cao dẫn tới xuất hiện các điểm dân cư mới nhưng tại các điểm này việc xây dựng nhà ở đang phát triển tự phát, thiếu định hướng.
Giữ văn hóa truyền thống
Vấn đề làm nhiều người lo lắng là "bức tranh" kiến trúc nhà ở nông thôn hiện đang khá lộn xộn, từ nhà ngói, nhà mái bằng đến nhà gỗ, nhà sàn, biệt thự...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm chia sẻ: "Việc xây dựng nhà cửa khang trang, nâng cao đời sống nhân dân là cần thiết nhưng đừng bê tông hóa nông thôn".
Theo ông Hòa, đi đôi với việc xây dựng NTM phải gìn giữ những công trình, giá trị văn hóa làng xã của ông cha như con đường lát gạch cổ, những bức tường đá ong hay hàng rào râm bụt truyền thống...
Đồng quan điểm trên, KTS Nguyễn Đình Thi (Đại học Xây dựng) cũng cho rằng, khi quy hoạch xây dựng các điểm dân cư mới ở nông thôn, các địa phương cần quan tâm nghiên cứu kế thừa các giá trị lịch sử, văn hóa của làng, xã truyền thống. Trong đó, lưu giữ những công trình văn hóa, tâm linh, lịch sử truyền thống lâu đời.
Đồng thời, đảm bảo kết nối thuận lợi hệ thống đường giao thông liên xã, thôn, xóm và các điều kiện hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, rãnh thoát nước, lưới điện, cây xanh...Kiến trúc, mẫu nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, từng vùng, miền cũng là một yêu cầu cơ bản trong tiêu chuẩn nhà ở của Bộ Xây dựng và Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Do đó, để cán đích thành công Chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần quan tâm thích đáng đến vấn đề quy hoạch xây dựng nhà ở nông thôn. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân cải tạo nhà cửa, công trình phụ, vườn tược... góp phần cải thiện bộ mặt NTM khang trang.q
Thiện Quang (nguồn:ktdt.com.vn)