Nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh trong xây dựng NTM

Nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh trong xây dựng NTM
Trong 8 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh phát triển 1.172 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả cao, có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Các mô hình này góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.


Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM trong 8 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh phát triển 1.172 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, trong đó có 1.046 mô hình sản xuất sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực, 263 mô hình có liên kết với Doanh nghiệp, nâng tổng số mô hình sản xuất kinh doanh sau 5 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh là 7.928 mô hình.
 
 

Mô hình nuôi cá mú tại HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải  
 
Điển hình có một số mô hình du nhập các cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế như: Mô hình nuôi cá mú tại HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) được Công ty Fineton Hồng Công chuyển giao kỹ thuật và thu mua sản phẩm, đây là mô hình nuôi cá mú đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh, dự kiến doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Xuân Thành, xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân năng suất đạt 44 tấn/ha, doanh thu đạt từ 4,5-5 tỷ đồng/ha, tăng hơn 1,5-2 lần so với nuôi tôm thông thường, mở ra hướng đi mới trong nghề nuôi tôm ở tỉnh ta, trồng dưa lưới Kim Cô Nương cho hiệu quả kinh tế cao…
 
 

Mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh
tại xã Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh), với quy mô trên 500 con bò được nhập ngoại từ Úc
 
Việc phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh đã thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ người nông dân Hà Tĩnh. Nhiều nông dân đã thực sự trở thành ông chủ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị, doanh nghiệp cung ứng đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm giúp người dân ổn định phát triển sản xuất. Thông qua mô hình giúp người dân khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương, tạo sự chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, hướng tới làm giàu cho nhiều hộ nông dân, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng NTM tại các địa phương./.
 
 
Ngô Thắng