Nhân tố cán bộ trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh

Nhân tố cán bộ trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh
Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, thì công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong nông thôn mới được Hà Tĩnh xác định là nhiệm vụ xuyên suốt. Bài học lấy cán bộ làm gốc cho mọi phong trào, từ đó đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là chìa khóa cho sự thành công trong xây dựng NTM của Hà Tĩnh.


Nhận nhiệm vụ chuyên trách nông thôn mới xã vào cuối năm 2016, ban đầu chị Hoàng Thị Oanh - cán bộ UBND xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà gặp không ít khó khăn.

Là xã về đích nông thôn mới trong năm 2013, để tiếp tục cũng cố và giữ vững các tiêu chí sau khi đạt chuẩn là việc làm không hề đơn giản, đặc biệt việc tiếp cận những kiến thức mới, chỉ tiêu mới của chương trình nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ nông thôn mới, công việc của chị Oanh trở nên thuận lợi hơn. Những kiến thức, kỹ năng trong xây dựng nông thôn mới đã được chị áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chị Hoàng Thị Oanh - Chuyên trách nông thôn mới UBND xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà

 

Xây dựng NTM phải có tư duy mới, con người mới, từng bước chuẩn  đội ngũ cán bộ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện Lộc Hà xác định trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo đó, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình NTM, huyện đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ từ huyện đến xã, thôn xóm. Trong 6 năm triển khai, huyện đã phối hợp với trường Chính trị Trần Phú và các ngành liên quan mở trăm lớp lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ trên địa bàn với hàng ngàn lượt người tham gia.

Riêng năm 2016 huyện đã mở 4 lớp đào tạo, 25 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức nông thôn mới cho cán bộ các cấp trên địa bàn.

Sau 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã đạt kết quả cao, toàn diện với 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Trong đó, Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất của cả nước xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới một cách bài bản, khoa học, đặc biệt tỉnh đã xây dựng và ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ nông thôn mới với các chuyên đề cụ thể, thiết thực.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, Trường Chính trị Trần Phú phối hợp với các địa phương tổ chức huấn luyện được gần 10.000 lượt cán bộ, riêng năm 2016 mở được 41 lớp với gần 2700 học viên tham gia.

Với hệ thống kiến thức, kỹ năng về xây dựng nông thôn mới được trang bị cơ bản, đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng” cũng chính là bài học xuyên suốt của Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, việc đào tạo cán bộ trong xây dựng nông thôn mới đã, đang và sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục của Hà Tĩnh trong những năm tiếp theo, nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có tâm, có tầm đáp ứng nhiệm vụ thời kỳ mới.

Theo Hà Vân/hatinhtv.vn