Nhanh nhưng phải đúng luật
- Thứ hai - 21/07/2014 03:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không nóng vội
Theo báo cáo của BCĐ Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2014, BCĐ thẩm định, quyết định công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 19 xã; bình quân toàn tỉnh đạt 10,36 tiêu chí/xã, tăng 0,68 tiêu chí so với đầu năm; có 48 xã đạt 16 - 18 tiêu chí; 254 xã 10 - 15 tiêu chí; 207 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và 45 xã dưới 5 tiêu chí.
Toàn tỉnh huy động được 3.868 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 25.000 ngày công lao động; hiến 80 ha để xây mới, cải tạo 510 km đường GTNT; 215 km kênh mương nội đồng; 473 phòng học các cấp; 43 trạm y tế xã; 304 nhà văn hóa thôn; chỉnh trang, sửa chữa gần 10.000 nhà ở dân cư. Hình thành 87 mô hình phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó, một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá sinh sản ở xã Quảng Tân (Quảng Xương), Đông Ninh, Đông Phú (Đông Sơn); mô hình phân nén dúi sâu ở các huyện miền núi; trồng bí xanh, ớt XK ở huyện Như Thanh, Hậu Lộc, Hoằng Hóa; nuôi thỏ, chim trĩ, bồ câu Pháp ở TP. Thanh Hóa...
Ông Đỗ Thế Hạnh, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, cho biết, lâu nay Thanh Hóa xác định mục tiêu căn bản nhất của xây dựng NTM là nâng cao đời sống cả về vật chất, tinh thần cho người dân.
Vì thế, ngoài việc hỗ trợ xi măng, nguồn lực cho các địa phương xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, BCĐ đã và đang tập trung hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giao cho các đoàn thể thực hiện thí điểm các mô hình SX, chăn nuôi gắn với từng địa phương để nhân rộng trong thời gian tới. Còn với việc huy động nguồn lực, Thanh Hóa thực hiện một cách dân chủ, minh bạch nên được bà con đồng tình ủng hộ tối đa.
Ghi nhận những kết quả mà Chương trình đạt được 6 tháng đầu năm nhưng Trưởng BCĐ Mai Văn Ninh tỏ ra chưa hài lòng với cách làm của một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Ninh nói: “Tôi rất buồn vì trong số 3 xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh lại có đến 2 xã có vấn đề. Nhưng dù buồn, tỉnh vẫn phải xử lý để làm gương cho các xã khác”.
Xung quanh sai phạm trong quá trình xây dựng Trung tâm Văn hóa xã điểm Minh Dân, huyện Triệu Sơn, thanh tra tỉnh đã làm việc với UBND xã, yêu cầu hoàn trả số tiền vượt mức dự toán hơn 2 tỷ đồng cho ngân sách. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết, hầu hết ý kiến của các huyện, xã đều cho rằng việc phân khai nguồn vốn của Trung ương, tỉnh chậm đã dẫn đến tiến độ thực hiện các tiêu chí cũng chậm.
“Như năm nay mãi đến giữa tháng 4 vốn mới rót về huyện, sau đó huyện mới cân đối phân về xã rồi đến thôn, xóm. Quy trình này cũng mất khá nhiều thời gian nên tiến độ không thể hoàn thành đúng kế hoạch được”, ông Trần Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Như Thanh cho biết.
6 tháng cuối năm 2014 tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; các xã trong danh sách phấn đấu đạt chuẩn đến năm 2016, mỗi xã tăng bình quân 3 tiêu chí trở lên; các xã còn lại tăng 1-2 tiêu chí. Mỗi huyện miền núi có 1-2 bản; mỗi xã miền xuôi có 1 thôn trở lên đạt các tiêu chí thôn, bản NTM. |
Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc phân vốn chậm còn có một bất cập là việc đầu tư xi măng, nguồn lực xây dựng các công trình xây dựng cơ bản còn mang tính chia đều, cào bằng nên không đúng với tính chất, ý nghĩa của chính sách là khuyến khích.
“Tôi lấy ví dụ năm 2013 toàn huyện Như Thanh làm được 106 km đường GTNT nhưng cũng chỉ được hỗ trợ ngang bằng với các huyện làm 50 - 60 km”, ông Tuấn nói.
Một ý kiến cũng được nhiều địa phương nhắc tới là xây dựng NTM không thể nóng vội. Ông Trần Văn Phát, Bí thư Huyện ủy Đông Sơn, cho rằng: “Nóng vội có thể dẫn đến sai phạm như một số xã đã đạt chuẩn NTM nêu trên. Cho nên việc lựa chọn, thôn bản làm NTM để nhân rộng là rất cần thiết và phù hợp, thôn có đạt NTM thì xã, huyện mới đạt được”.
Cũng theo ông Phát, ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cần phải tập trung mạnh vào các tiêu chí liên quan đến thu nhập, văn hóa, xóa đói giảm nghèo. Phải nâng cao thu nhập cho người dân rồi mới trích phần thu nhập đó để đầu tư cho hạ tầng.
Được biết, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn được 282 thôn, bản của 279 xã triển khai xây dựng thôn, bản NTM. Một số thôn, bản điển hình làm tốt như bản Sáng, xã Quang Chiểu (Mường Lát); bản Hậu, xã Tam Lư (Quan Sơn); bản Pọng, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa); thôn Yên Trường, xã Thọ Lập (Thọ Xuân)...
UBND tỉnh Thanh Hóa tặng cờ thi đua cho BCĐ xây dựng NTM tỉnh
Nghiêm cấm bắt buộc dân đóng góp
Tại lễ sơ kết, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Thị Xuân Thu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 20 tập thể (19 xã đạt chuẩn, 1 xã đặc biệt khó khăn vươn lên xây dựng NTM) và 1 cá nhân. UBND tỉnh cũng tặng cờ thi đua xuất sắc cho Văn phòng BCĐ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa. |
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh nhấn mạnh: “Việc huy động nguồn lực phải dựa vào khả năng đóng góp của người dân, không được làm cạn kiệt nguồn lực của dân và cũng không được vay nợ nhà thầu quá lớn rồi để lại cục nợ xây dựng cơ bản cho các nhiệm kỳ sau”.
Ông Ninh phân tích, hơn 3 năm nay Thanh Hóa luôn được đánh giá là một trong những tỉnh đứng top đầu của cả nước về xây dựng NTM. Đặc biệt, rất nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát được các huyện, xã, thôn xóm thực hiện tốt. Đây là thắng lợi của Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương huy động đóng góp của dân lên đến trên 50% là quá nặng, cách làm này không chỉ gây áp lực cho bà con mà còn có nguy cơ biến xây dựng NTM thành nông thôn cũ, không xóa được đói, giảm được nghèo mà còn tăng cả hộ nghèo lên. “Vì vậy Thanh Hóa nghiêm cấm việc bắt buộc dân đóng góp”, ông Ninh chỉ đạo.
Ông Mai Văn Ninh cũng yêu cầu, thời gian tới các xã phải tập trung rà soát lại quy hoạch, hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xác định lại sản phẩm chủ lực của từng huyện, từng xã để tăng khả năng cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xây dựng NTM là một chương trình lớn, mang tính chiến lược lâu dài nên các địa phương phải làm thường xuyên, liên tục, kiên quyết và có quyết tâm chính trị cao. Đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ thành lập đoàn thanh tra kiểm tra quy trình thực hiện của 27 xã đăng ký về đích năm 2014; đồng thời, giao các xã triển khai xây dựng các công trình đã được tỉnh chấp thuận đầu tư cũng như việc sử dụng xi măng hỗ trợ xong trước 30/10, nếu đơn vị nào không hoàn thành sẽ điều chuyển cho địa phương khác thực hiện.
Cũng theo ông Mai Văn Ninh, những xã không nằm trong diện đăng ký về đích mà có đủ điều kiện hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay thì làm văn bản đề xuất lên tỉnh trước 30/8 để tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện.
Theo nongnghiep.vn