Nhiều vấn đề “nóng” cần giải quyết
- Thứ năm - 08/05/2014 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không ít khó khăn của các địa phương cần được tháo gỡ kịp thời, nhằm bảo đảm mục tiêu đến hết năm 2014 có 62 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới lên 112 xã.
Hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng từng bước được cứng hóa tại Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt |
Còn nhiều vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Hùng, địa phương đã triển khai dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở 5 xã. Tại thôn Kim Hồ và Cổ Giang (xã Lệ Chi), do chính quyền chủ quan, quá trình thực hiện có sai sót, kết hợp với nhận thức của người dân còn hạn chế, dẫn đến việc DĐĐT mất nhiều thời gian. Một số nơi, không kịp chia ruộng cho nhân dân để gieo cấy vụ xuân. Đặc biệt, ở đội 15 thôn Kim Hồ, khi họp phổ biến phương án DĐĐT, người dân không có ý kiến nhưng đến khi đào đắp, thi công lại khiếu nại làm chậm tiến độ. Tại thôn Cổ Giang, người dân kiến nghị sau DĐĐT được giao đất tại vị trí đã được quy hoạch xây trường mầm non trên diện tích 19.000m2, hiện đang có 34 hộ sản xuất cho tất cả các gia đình trong thôn để khi thu hồi đất, hộ nào cũng được nhận tiền đền bù. Sau khi được tuyên truyền, vận động, giải thích theo hướng dẫn số 29 của Sở NN&PTNT Hà Nội về DĐĐT, diện tích đã nằm vào quy hoạch sẽ không tiến hành DĐĐT, người dân Cổ Giang lại yêu cầu sau khi Nhà nước thu hồi đất của 34 hộ dân tại khu xây dựng trường mầm non, được bao nhiêu tiền đền bù phải sung công. Từ đây, câu chuyện DĐĐT không dừng lại ở phương án dồn đổi đơn thuần, mà trở nên phức tạp khi một số công dân không phải ở thôn Cổ Giang đã lôi kéo, kích động người dân trong thôn không nhận ruộng. Để tháo gỡ khó khăn, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo xã Lệ Chi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời xử lý nghiêm và thay thế ngay những cán bộ lợi dụng DĐĐT để trục lợi.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Văn Ngọc cho biết, công tác DĐĐT của địa phương còn vướng tại 1 thôn ở xã Nhị Khê và 1 thôn của xã Nguyễn Trãi. Đối với thôn Gia Khánh (xã Nguyễn Trãi), lúc đầu, việc triển khai tương đối thuận lợi, sau đó người dân có ý kiến muốn được lấy đất ở phía đông và phía tây làng cho tất cả các hộ trong thôn, vì 2 vị trí này đã được quy hoạch vào đất giãn cư. Hiện khu vực đang có 22 hộ vi phạm Luật Đất đai người dân yêu cầu phải xử lý vi phạm và chia đều cho các hộ. Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh quá trình họp dân khi chưa có sự thống nhất, địa phương đã triển khai làm giao thông, thủy lợi nội đồng… Huyện đã tiếp xúc với các hộ dân để tìm hiểu nguyên nhân, đề ra biện pháp tháo gỡ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội hiện còn khoảng 3.000ha chưa hoàn thành DĐĐT, chiếm khoảng 4% diện tích, nằm rải rác trên địa bàn 48 xã, thuộc 12 huyện vẫn đang vướng mắc, cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Giải quyết khó khăn về nguồn vốn
Một vấn đề được nhiều người, nhiều địa phương quan tâm, đó là kinh phí cho Chương trình 02. Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Duy Phong cho biết, đến nay thành phố đã phân bổ và ứng vốn cho các địa phương và các địa phương cũng cơ bản sử dụng hết. Hiện nguồn lực phục vụ Chương trình 02 gặp nhiều khó khăn, do công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều huyện không đạt kế hoạch, ảnh hưởng đến kinh phí cấp cho chương trình DĐĐT và xây dựng hạ tầng.
Ông Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội phân tích thêm, đề án xây dựng nông thôn mới của thành phố cũng như các huyện, các xã được lập và phê duyệt trong bối cảnh nguồn lực của thành phố khá dồi dào, kinh phí của mỗi đề án tương đối lớn (khoảng 200-300 tỷ đồng với đề án cấp xã). Hiện tại, kinh tế đang trên đà suy thoái, các địa phương cần rà soát lại từng đề án để việc đầu tư vừa bảo đảm kế hoạch, vừa phù hợp với nguồn lực không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Thành phố hiện có 33 điểm quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên diện tích 8.000m2 do thành phố quản lý, đến nay đã đủ điều kiện cần đẩy nhanh tiến độ để bổ sung kinh phí cho ngân sách các cấp. Ông Khương cũng đề nghị Sở Tài chính cân đối nguồn lực và nếu cần thiết sẽ ứng vốn kinh phí năm 2015 cho các địa phương giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn thiện DĐĐT, giao thông, thủy lợi nội đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái tiếp tục yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp; phân kỳ đầu tư hợp lý, trong đó quan tâm đến việc đầu tư cho hạ tầng phục vụ sản xuất; đối với các địa phương còn vướng mắc trong DĐĐT cần tập trung xác định nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ trước tháng 5-2014. Về vốn, Ban chỉ đạo Chương trình 02 sẽ đề nghị với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong điều kiện cần thiết sẽ ứng vốn năm 2015 trước cho các địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.
Nguyễn Mai
Nguồn hanoimoi.com.vn
Nguồn hanoimoi.com.vn