Những chuyện ly kỳ về nông thôn mới
- Chủ nhật - 20/09/2015 20:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gặp người 16 năm làm… trưởng thôn
Hôm nay trong thôn có người qua đời, ông Cao Văn Huấn - Trưởng thôn Hòa Thạnh (Phổ Hòa) suốt 16 năm nay xăng xái - đến chung tay lo việc tang lễ. Lẫn trong tiếng nhạc đưa linh nỉ non đến nao lòng, ông lựa lời an ủi gia chủ vơi bớt đau buồn cho vong linh người đã khuất yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Ông rỉ rả tâm sự với mọi người về chủ trương xây dựng nông thôn mới qua những việc làm thiết thực ở xóm làng: Tự nguyện hiến đất mở đường giao thông, góp tiền của và công sức xây dựng công trình phục vụ dân sinh…
Ban đầu, nhiều người cho điều ông nói là chuyện xa vời và tìm cách lảng tránh. Rồi họ dần hiểu đó là việc hữu ích, khi xem trên truyền hình ghi lại hình ảnh làng quê trù phú ở những nơi khác. “Tôi luôn gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và ghi nhận những ý kiến chính đáng của họ rồi đề nghị lên cấp trên xem xét giải quyết. Những ý kiến không phù hợp thì mình từ tốn giải thích để họ hiểu rõ, tránh tình trạng khiếu kiện. Không chỉ trong đám tiệc mà còn cả những lúc lai rai với anh em xóm làng, tôi luôn vận động người dân thực hiện các chủ trương của cấp trên” - ông nói.
Ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa (đứng hàng trước, nắm tay phía sau) đang chăm chú lắng nghe ý kiến của người dân. |
Có lẽ hầu hết người dân ở Phổ Hòa đều thân quen với ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nho. Ngồi trò chuyện với những bậc cao nhiên trong xã, một người chợt hỏi tôi: “Chú em biết thằng Nho không? Hơn 5 giờ chiều rồi, để tôi gọi điện kêu nó đến đây nhậu chơi”. Nhiều nông phu đang lai rai dăm ly rượu đế chợt vẫy tay í ới “anh Nho ơi!” khi thấy ông cưỡi xe máy ngang nhà.
Ông tâm sự: “Bà con quý mình nên mới mời ly rượu, chén trà. Nhiều lúc bận việc không thể ghé lại được thì lát sau phải điện thoại xin lỗi kẻo họ giận. Không riêng tôi mà tất cả anh em cán bộ ở xã và thôn luôn gần gũi bà con nên được nhiều người quý mến. Nhiều việc có một số người chưa đồng tình, chúng tôi đến tận nhà kiên trì thuyết phục họ liền vui vẻ tán thành…”.
Khi dân đồng lòng
Đang rong ruổi bán hủ tiếu gõ tận TPHCM, anh Nguyễn Sương nhận điện thoại của ông Huấn gọi từ quê vào vận động hiến đất để mở đường giao thông ngang nhà. Anh vui vẻ tự nguyện hiến 21m2 đất vườn, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ và đốn hạ nhiều cây cây ăn trái. “Mảnh vườn của thằng Sương cũng hẹp, giá đất lại ở mức cao mà nó vui vẻ đồng ý khiến chúng tôi phấn khởi lắm” - ông Huấn nói.
Trường mầm non vừa được xây dựng khang trang. |
Lão nông Nguyễn Hữu Xi xem ruộng đất như máu thịt của mình vì gần cả đời ông gắn bó với ruộng đồng, hít thở hương thơm bao mùa lúa chín. Khi nghe cán bộ vận động gia đình hiến gần 200m2 ruộng lúa để làm đường khiến ông trăn trở cả trong những giấc ngủ chập chờn. “Dân quê chúng tôi sống nhờ vào ruộng lúa, mất đi gần nửa sào ruộng xót lắm chứ! Nhưng qua trò chuyện với mấy ổng, tôi hiểu thêm: Chẳng lẽ để con cháu phải còng lưng gánh vác nặng nhọc như ông cha mãi sao? Có đường rộng rãi thì đi lại cũng sướng hơn, làm ruộng cũng đỡ tốn công sức hơn. Nghĩ vậy nên tôi bằng lòng…” - ông bộc bạch.
Bao năm, cán bộ trong xã luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhưng “vướng” kinh phí và lòng dân chưa đồng thuận. Chính quyền xã họp bàn và chọn khu vực Đồng Miếu - Xóm Cũ ở thôn Hiển Văn, cách hồ chứa nước Liệt Sơn khoảng 1km về phía hạ lưu nhưng phải luôn chịu cảnh khô hạn. Bởi vì, đây là vùng gò đồi, chân đất cao nên không thể tưới nước bằng kênh mương thủy lợi.
Người nông dân chỉ canh tác mía và các loại hoa màu với năng suất đạt thấp. Cán bộ chia nhau vận động người dân và liên hệ với Công ty cổ phần Gạch ngói Phổ Hòa tận thu đất sét kết hợp với cải tạo đồng ruộng. Sau hơn một năm kiên trì thuyết phục, người dân đồng lòng viết đơn đề nghị cải tạo đất gò đồi thành cánh đồng mẫu lớn. Họ rất phấn khởi khi được bồi thường hoa màu, hỗ trợ di dời mồ mả và nhận khoản hỗ trợ ngưng sản xuất một năm với số tiền 2 triệu đồng/sào.
Giờ cánh đồng bằng phẳng có diện tích gần 10ha, có đường giao thông và kênh mương thủy lợi, được chia cho 54 hộ dân, mỗi thửa từ 1 - 8 sào. Người dân thong dong chuyển phân bón và nông sản bằng ôtô, xe máy, không còn phải oằn vai gánh gồng như thuở trước. Ông Nguyễn Văn Kim - Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã (vừa nghỉ hưu), kể: “Chi phí xây dựng cánh đồng mẫu lớn hơn 1,6 tỉ đồng. May mà “lấy mỡ nó rán nó”, chứ nếu trông vào ngân sách nhà nước hay khoản đóng góp của dân thì chắc lâu lắm mới làm nổi”. Ông Võ Ngọc Sinh - Công an viên, đại biểu HĐND xã nhớ lại: “Lúc mới họp dân nhiều người phản đối vì không muốn động tới mồ mả tổ tiên, nhưng chúng tôi nói mãi rồi họ cũng nghe theo. Giờ thấy được hiệu quả từ việc cải tạo đất gò đồi để đưa nước về sản xuất nên họ cứ bảo tôi kiến nghị lên xã cải tạo khu vực bên cạnh. Nhiều người bảo, không có tiền hỗ trợ cũng được, miễn là cải tạo đất để thuận tiện cho sản xuất…”.
Hơn 4 năm qua, người dân Phổ Hòa đã hiến hơn 10.000m2 đất, tháo dỡ công trình xây dựng, đốn hạ cây ăn trái… để xây dựng công trình phục vụ dân sinh. Những hộ dân ít đất được chính quyền xã hoán đổi từ quỹ đất do xã quản lý để “nông dân có ruộng cấy cày”. Với hộ nghèo, xã chỉ vận động hiến đất hay hoán đổi chứ không đóng góp kinh phí. Nhờ đó đã có thêm 16 tuyến đường được bêtông hóa và cứng hóa, các công trình dân sinh được mở rộng, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xin không xây dựng chợ…
Nhiều địa phương trong nước đã và đang xây chợ hàng tỉ đồng để “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong nỗi xót xa của bao người. Nhưng Phổ Hòa lại xin không xây dựng chợ dù “kinh phí cấp trên hỗ trợ để đạt chuẩn nông thôn mới”. Giãi bày việc khác thường này, ông Nho chậm rãi: “Lâu nay dân trong xã thường mua bán tại chợ trung tâm huyện, cách nhà vài cây số đi xe máy. Vì vậy, khi họp lấy ý kiến thì họ thống nhất không xây dựng chợ, xin chuyển nguồn vốn sang xây dựng công trình khác”.
Trước đó, Phổ Hòa là 1 trong 3 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới ở huyện Đức Phổ, nhưng là xã duy nhất ở tỉnh Quảng Ngãi từ chối đăng ký nhận hỗ trợ ximăng để bêtông hóa đường giao thông, với lý do: Dân chưa đồng thuận nên chưa làm được đường, nếu nhận ximăng về bây giờ sẽ hỏng, sau này xin lại lần nữa sẽ lãng phí tiền của Nhà nước!
Phổ Hòa là vùng bán sơn địa có diện tích tự nhiên hơn 1.600ha, diện tích ruộng lúa 210ha. Toàn xã có hơn 1.100 hộ dân với gần 4.500 người sinh sống ở địa bàn 4 thôn. Hơn 4 năm trước, Phổ Hòa là xã nghèo của huyện Đức Phổ với tỉ lệ hộ nghèo trên 30%. Thu nhập của hầu hết người dân trong xã phụ thuộc vào vài sào ruộng lúa.
Tuy nhiên đến thời điểm này, tỉ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn hơn 5%, chủ yếu là người già neo đơn và những gia đình có người đau yếu do chủ trương vận động nông dân đầu tư nuôi bò lai sinh sản, canh tác hoa màu giá trị kinh tế cao. Giờ thì đàn bò lai trong xã có hơn 2.000 con đem lại khoản thu nhập cho hộ nuôi mỗi năm hàng chục triệu đồng, có hộ lên đến hơn 100 triệu đồng.
Ấy vậy nhưng khi “đối ngoại”, nhiều cán bộ xã vẫn cứ luôn miệng: “Dân vẫn còn nghèo lắm”. Thắc mắc thì ông Nho cười bí hiểm: “Hiện tại, xã Phổ Hòa đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm đạt thêm 3 tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới là điều thiết yếu, nhưng không thể vội vàng. Chúng tôi tuy “chậm mà chắc” còn hơn vội vàng, chạy theo thành tích. Mọi việc đều phải đưa ra họp bàn, vận động nhân dân đồng tình mới triển khai thực hiện”.
nguồn: laodong.com.vn