Những dấu ấn trong đầu tư phát triển “tam nông”

Những dấu ấn trong đầu tư phát triển “tam nông”
Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã khẳng định là một quyết sách đúng đắn, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển “tam nông” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả mang lại đã thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển mạnh mẽ qua các thành tựu từ thủy lợi, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi đến phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống nông dân.


Bước ngoặt về quan điểm của Đảng về “tam nông”

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 14/4/1946, trong bức thư gửi các điền chủ và nông gia, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: “Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh… Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính”.

Tư tưởng của Người sau đó đã được hiện thực hóa trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Đảng và Nhà nước, cho dù có giai đoạn nó chưa thực sự được quan tâm đúng mức, khiến nông nghiệp khó khăn, nông dân khốn đốn. Song, với quan điểm học từ thực tiễn, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đảng ta đã xác định: Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Tiếp đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV cũng khẳng định: Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công nông nghiệp.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, quan điểm về vấn đề này tiếp tục có bước tiến mới với khẳng định: Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp từng bước đi lên xã hội chủ nghĩa… Đặc biệt, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã chỉ rõ: Bảo đảm cho nông nghiệp, kể cả lâm nghiệp, ngư nghiệp thực sự là mặt trận hàng đầu.

Trước đó, những bước đi ban đầu trong cải tiến cơ chế quản lý, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (còn gọi là tam nông) đã tạo tiền đề ra đời Chỉ thị 100 (còn được gọi là khoán 100) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Từ những thành công của cơ chế khoán 100, ngày 15/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 (còn gọi là khoán 10) về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, trong đó xác định rõ vai trò của kinh tế hộ, coi hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất.

Cơ chế mới này, qua thực tiễn, được khẳng định là dấu mốc đổi mới đặc biệt quan trọng trong quan điểm của Đảng về “tam nông”, nó đã thực sự tạo ra luồng sinh khí mới, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết với rất nhiều thành tựu, từ thủy lợi, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi…. cho tới mở rộng diện tích đất canh tác.

Tháng 8/2008, tại Hội nghị Trung ương 7, khóa X, trên cơ sở đánh giá những thành tựu, hạn chế của hơn 20 năm đổi mới quan điểm cũng như cơ chế quản lý lĩnh vực “tam nông”, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “tam nông” với bốn quan điểm, ba mục tiêu tổng quát, sáu mục tiêu cụ thể và tám nhóm chủ trương, giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt. Nghị quyết quan trọng này được triển khai ngay sau đó.

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “tam nông”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh: “Nghị quyết về “tam nông” và việc tổ chức triển khai trong 5 năm vừa qua là một phần tài sản mới bổ sung vào kho tàng lý luận và thực tiễn của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, nét đặc sắc là sự hòa quyện mật thiết, sự tương tác mạnh mẽ giữa lý luận và văn kiện của Đảng với phong trào của quần chúng”.

Những thành tựu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW

Với quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực, bám sát thực tiễn, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã được nông dân cả nước đón nhận, tạo nên một phong trào sôi nổi, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, và thực tế, thành tựu đầu tiên là nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2013, GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,9%/ năm, trong đó, nông nghiệp tăng 2,5%.

Thu nhập bình quân năm của người dân nông thôn năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được nhiều địa phương hưởng ứng và nhân rộng ở 43 tỉnh, trên diện tích khoảng 100 ngàn ha đất lúa.

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhờ đó, đến nay, tổng năng lực tưới của hệ thống thủy lợi tăng lên 70.000 ha; Hàng chục ngàn km đường giao thông nông thôn được mở mới hoặc nâng cấp, cải tạo; 98,3% số xã có đường ô-tô đến trung tâm; 99,89% số xã được sử dụng điện lưới quốc gia với 97,3% số hộ được sử dụng điện; 82% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm giảm bình quân 2%/năm so với 2008, hiện còn 12,6%.

Thực hiện toàn diện Nghị quyết về “tam nông” còn đem lại những bước tiến trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn với việc áp dụng hoa học, công nghệ tiên tiến trên đồng ruộng và cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng ngày càng rộng rãi.

Có thể khẳng định, sau Nghị quyết về “tam nông” cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhất là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cho dù điều kiện ngân sách của chúng ta còn hạn hẹp. Điển hình, năm 2013, mặc dù cân đối ngân sách nhà nước hết sức căng thẳng, nhưng Chính phủ vẫn bố chí vốn đầu tư cho khu vực “tam nông” là 131.000 tỷ đồng, tăng trên 2,5 lần so với năm 2009. Tỷ trọng ngân sách chi cho “tam nông” đã tăng từ 32,8% tổng chi (năm 2008) lên gần 36% năm 2009. Còn năm 2013, vốn ngân sách bố trí cho khu vực “tam nông” chiếm tới 41,3% tổng chi.

Ngoài số vốn hỗ trợ từ ngân sách, khu vực này đã và đang nhận được sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp tại hệ thống ngân hàng thương mại. Năm 2012, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng chung giảm ở mức 8,91%, tín dụng cho khu vực “tam nông” và lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng 12,5%. Trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với khu vực này và lĩnh vực xuất khẩu luôn thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường 2 - 3%.

Ngoài việc tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tăng dư nợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, Chính phủ còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng trong việc ổn định đời sống của người dân sống ở khu vực nông thôn một cách bền vững.

Song song với việc hỗ trợ đối với người trồng lúa, nuôi trồng thủy hải sản, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân trực tiếp ra khơi đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Cụ thể là chính sách thí điểm cho ngư dân vay vốn tới 70 - 80% với lãi suất 3%/năm trong vòng 10 năm để đóng tàu mới có công suất từ 400 đến trên 1.000 mã lực. Đây là sự hỗ trợ vô cùng to lớn của Nhà nước đối với “tam nông”. Sau khi tổng kết chương trình thí điểm này, Chính phủ sẽ nhân rộng chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu bám biển trong thời gian tới.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nói trên nhưng thực tiễn cũng chỉ ra, việc triển khai Nghị quyết Trung ương còn chưa đồng bộ, xét cả về nội dung, giải pháp và địa bàn. Kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn, vai trò chủ thể của nông dân chưa được phát huy đầy đủ, chậm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên thực tế.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thành quả và hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về vấn đề “tam nông”, Đảng và Nhà nước sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết để đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, qua đó cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.

LÊ THANH DUNG - TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG
Nguồn tapchitaichinh.vn