Những miền quê xanh - sạch - đẹp ở Hà Tĩnh
- Thứ tư - 11/10/2017 04:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vườn cây ăn quả của gia đình ông Phan Thanh Trường, thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). |
Những làng quê giàu, đẹp
Thôn Nam Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) để lại ấn tượng khó quên với bất kỳ ai từng một lần đến thăm. Đó là vùng nông thôn mộc mạc, dung dị nhưng vô cùng trù phú. Bao quanh làng xóm, hộ gia đình là những hàng rào cây xanh cắt tỉa gọn gàng, công phu. Từ đường lớn đến các ngõ nhỏ và sân vườn của các gia đình đều vô cùng sạch sẽ. Ở Nam Trà, người dân vẫn giữ tập quán “canh xen cư” - nơi ở xen lẫn nơi sản xuất. Bởi thế, hầu như gia đình nào cũng có vài sào vườn trồng cam, bưởi, chè, trầm hương… xanh mướt xen với nhà ở. Bí thư Chi bộ thôn Nam Trà Đinh Phúc Tâm giới thiệu về thôn bằng những điều bình dị: “Rác thải không bừa bãi, đường rộng thênh thang, vườn mẫu tươi tốt và xóm làng bình yên”. Ông Nguyễn Xuân Liên, người dân thôn Nam Trà chia sẻ: “Từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được tuyên truyền, hướng dẫn giữ vệ sinh sạch sẽ, bài trí, sắp xếp nhà cửa khoa học, gọn gàng hơn”.
Xây dựng nông thôn mới gần gũi, tan chảy vào cuộc sống của mỗi nhà. Đó đơn giản chỉ là việc chủ nhà sắp xếp gọn gàng, riêng biệt dép đi trong nhà, ngoài sân. Dù ở “nhóm” nào, các đôi dép cũng được xếp ngay ngắn, mũi dép quay đúng chiều nhau. Hay là việc “Sáng nào vợ chồng tôi cũng dậy sớm quét dọn nhà cửa, sân vườn, ngõ xóm. Đã thành nếp, thành viên trong gia đình sử dụng đồ dùng xong lại cất đúng chỗ cũ nên cửa nhà luôn ngăn nắp” - ông Đinh Phúc Tiến ở thôn Bắc Trà trò chuyện với chúng tôi.
Không chỉ ấn tượng với môi trường sạch đẹp, phong trào làm kinh tế nơi đây cũng đáng để học tập, tham khảo. Vườn mẫu của gia đình ông Phan Thanh Trường ở thôn Nam Trà trồng hơn 200 gốc cam đã cho thu hoạch năm thứ 3. “Hiện mỗi cây cho khoảng 40kg quả, dự kiến năng suất sẽ tăng gấp đôi khi cây lớn hơn. Với giá cam 40-50 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu hàng trăm triệu đồng” - ông Trường cho hay.
Nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhân dân, Hương Trà đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã có hơn 40.000m hàng rào xanh, 7 vườn cây ăn quả mẫu cấp tỉnh và hàng chục vườn mẫu cấp huyện, cấp xã; thu nhập bình quân năm 2016 đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ Hương Trà, xã Tượng Sơn (huyện Thạch Hà) có “hàng rào” độc đáo, rất thiết thực bằng rau xanh như: Mướp, bầu, bí, đỗ... Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy cho hay: Trước đây ngõ xóm ở Tượng Sơn chỉ rộng chừng 2m, khi xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã đã vận động nhân dân phát quang cây dại để mở rộng lối đi. Cùng với chỉnh trang thôn xóm, xã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cam, chanh, ổi và các loại rau, củ, quả theo mùa và phủ xanh hàng rào bằng những loại rau leo… Người dân còn được phổ biến quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ: Tự ủ thuốc trừ sâu sinh học chế từ gừng, tỏi, rượu, ớt kết hợp với các biện pháp dẫn dụ, xua đuổi côn trùng; sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp ủ làm phân bón... Nhờ vậy, thu nhập bình quân ở Tượng Sơn đã thay đổi ấn tượng. Từ con số 7,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 43% (trước năm 2010) thì đến nay, thu nhập bình quân đã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn 4,3%. Dự kiến, hết năm 2017, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2%...
Không chỉ chú trọng giữ nếp nhà sạch, hay phủ xanh xóm làng bằng những khu vườn mẫu, người dân Hà Tĩnh còn làm giàu đời sống tinh thần từ chính hồn cốt của quê hương. Nổi bật trong số ấy là thôn Phong Giang (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) - điển hình về gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào xây dựng đời sống văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng tạo khởi nguồn từ cuộc sống
Hành trình biến những thôn quê nghèo khó thành những “miền quê xanh” bắt đầu từ cộng đồng dân cư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chia sẻ: “Trước khi xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã của tỉnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí, trong đó 20 xã chưa đạt tiêu chí nào và không xã nào đạt trên 10 tiêu chí. Vốn là tỉnh nghèo, tiềm lực kinh tế hạn chế, khó khăn về nguồn vốn, vì vậy Hà Tĩnh đã chọn cách vừa làm diện rộng vừa làm điểm trong 2 năm đầu. Những năm tiếp theo, thực hiện theo phương châm: “Nâng đầu, đỡ cuối” để tất cả đủ “lực” phát triển. Quá trình triển khai, tỉnh định hướng, huyện đôn đốc, xã thực hiện và trực tiếp ngay từng gia đình, lan tỏa tới cộng đồng với mục tiêu “thực chất, chiều sâu và bền vững”.
Với cách làm sáng tạo, vận dụng phù hợp đặc thù từng địa phương, qua 6 năm tỉnh Hà Tĩnh có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 35%). Sau thành công này, Hà Tĩnh đang tích cực “nâng chất” xã đạt chuẩn nông thôn mới thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng bộ 3 tiêu chí “mẫu” gồm: Khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 1.620/1.826 thôn triển khai xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và 1.784 vườn mẫu đạt chuẩn (trong tổng số 7.500 vườn mẫu đăng ký xây dựng). Toàn tỉnh đã lựa chọn 18 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 5 xã đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Từ điểm sáng này của Hà Tĩnh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Tất Thắng nhận định: “Những vùng nông thôn mới kiểu mẫu đã và đang dần khôi phục được giá trị truyền thống tốt đẹp khu vực nông thôn. Việc cải tạo không gian xanh - sạch - đẹp có định hướng, bố trí khoa học, hiệu quả đa chiều… chính là động lực để nông dân tập trung xây dựng nông thôn thành nơi sinh sống đủ đầy, trù phú, tạo nên xu hướng tích cực “ly nông mà không ly hương”.
Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh xứng đáng được các cấp, các ngành chức năng nghiên cứu, tham khảo, từ đó xây dựng tiêu chí cụ thể để nhân rộng trong cả nước.
Theo Nguyễn Mai/hanoimoi.com.vn