Niềm vui trên cánh đồng mẫu

Niềm vui trên cánh đồng mẫu
Thôn Hải Nhuận (xã Ðông Quý) là một trong những thôn đi đầu xây dựng mô hình cánh đồng mẫu của huyện Tiền Hải. Với mô hình này, Hải Nhuận tăng giá trị sản xuất lên 1,4 lần so với cánh đồng đại trà. Ðiều đó cho thấy, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu là hướng đi đúng nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như nâng cao đời sống của nhân dân.

Dồn điền đổi thửa thành công giúp nông dân thôn Hải Nhuận đưa cơ giới vào làm đất, bảo đảm lịch thời vụ, giảm chi phí sản xuất.
Khi chưa xây dựng cánh đồng mẫu, Hải Nhuận chủ yếu cấy các giống lúa lai, lúa thuần như Q5, BC15, Hương thơm số 1... Tuy năng suất khá cao (58 - 60 tạ/ha) nhưng giá thành của các giống lúa này thấp hơn so với lúa đặc sản, hơn nữa lại tốn nhiều thời gian, công sức chăm sóc. Vì thế, Hải Nhuận quyết tâm thay đổi cách làm với mục tiêu tăng thu nhập cho bà con nông dân. Bí thư Chi bộ thôn Hải Nhuận - Hà Ngọc Chăm cho biết: Bắt đầu xây dựng cánh đồng mẫu, Hải Nhuận gặp nhiều khó khăn. Nhân dân trong thôn đã quen cấy nhiều loại lúa với tư tưởng nếu mất trà này còn trà khác bù vào nên khi vận động cấy một giống lúa bà con không nghe và không tin, sợ gặp rủi ro.
Ðối với địa phương cũng còn nhiều bỡ ngỡ, gặp khó khăn trong việc điều tiết nước bởi lẽ Hải Nhuận cấy 2 vụ bằng mạ non trên nền đất cứng nên lúc nào cũng cần có nước trong máng mà để giữ được nước trong máng không phải dễ. Nhiều thử thách như vậy nhưng Hải Nhuận vẫn kiên quyết làm và đã thành công. Vụ mùa năm 2012, với diện tích 115 ha cấy giống lúa Bắc thơm 7, năng suất đạt 170-180 kg/sào. Sau vụ mùa năm 2012 giành thắng lợi vụ xuân 2013, thôn Hải Nhuận tiếp tục duy trì cánh đồng mẫu với diện tích 115 ha, năng suất đạt 210 kg/sào (tương đương 53 tạ/ha). Khi tham gia xây dựng cánh đồng mẫu, thôn Hải Nhuận được UBND xã Ðông Quý và Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình tạo nhiều điều kiện thuận lợi như tập huấn kỹ thuật, cung cấp giống, đồng thời thu mua sản phẩm sau thu hoạch với giá tương đối cao. Ðối với vụ mùa, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình thu mua thóc với giá 9.000 đồng/kg, vụ xuân thu mua với giá 9.300 đồng/kg, trong khi ngoài thị trường giá thóc thịt là 7.000 đồng/kg.
Có được kết quả trên một phần là nhờ tác động tích cực của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ khi phong trào xây dựng NTM phát động, thôn Hải Nhuận đã vận động bà con nhân dân chung tay, góp sức, bước đầu là dồn điền đổi thửa. Chỉ trong một thời gian ngắn, việc dồn điền đổi thửa ở Hải Nhuận đã hoàn thành, từ 3,5 - 4 thửa/hộ, xuống chỉ còn 1 - 1,3 thửa/hộ, giúp việc chăm bón của bà con thuận lợi và tốn ít thời gian. Song song với công tác dồn điền đổi thửa, thôn Hải Nhuận vận động nhân dân tham gia làm thủy lợi, đào đắp mương máng với khối lượng 21.000 m3, kinh phí 600 triệu đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp cùng với 1.000 ngày công lao động. Ngoài ra, thôn Hải Nhuận còn hoàn thành xây dựng 3 km đường giao thông trục chính nội đồng, với kinh phí 3,6 tỷ đồng, trong đó 60% vốn nhân dân đóng góp. Dồn điền đổi thửa, giao thông thủy lợi hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong thôn bắt tay xây dựng mô hình cánh đồng mẫu.
Vụ mùa năm nay, Hải Nhuận phấn đấu duy trì cánh đồng mẫu 115 ha, đạt năng suất khoảng 53 - 55 tạ/ha. Hải Nhuận đã đôn đốc nhân dân tập trung làm đất gieo mạ trà sớm vào ngày 15/6 và đến 30/6 đưa mạ xuống ruộng. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9 toàn bộ trà lúa trên cánh đồng mẫu của thôn sẽ cho thu hoạch, tạo quỹ đất để trồng cây vụ đông ưa ấm như đậu tương và bí xanh.
Bài, ảnh:  Diệu Huyền
Nguồn:baothaibinh.com.vn